Muốn đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất tiên tiến không phải nói là làm được ngay. Chính điều này đã khiến hàng Việt khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều khu công nghiệp máy móc thiết bị để sản xuất hàng hóa chỉ có 1-2% công nghệ tiên tiến. Đây là nguyên nhân khiến cho hàng Việt chất lượng không cao, kém hấp dẫn người tiêu dùng. Trong bối cảnh này, làm gì để nâng tầm hàng Việt?
Công nghệ lạc hậu
Một sản phẩm tốt do các yếu tố như nguyên liệu tốt, mẫu mã đẹp, hợp thị hiếu, giá cả phù hợp và được sản xuất bằng thiết bị công nghệ tiên tiến tạo ra. Hàng Việt trên thị trường hiện “cõng” trên vai nhiều điểm yếu, nhưng điểm yếu lớn nhất là sản xuất bằng những thiết bị đã lạc hậu hàng nửa thế kỷ so với thế giới.
Điều tra về năng lực xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của các DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa mới thực hiện cho thấy, 62,5% số DN sản xuất công nghiệp hiện nay hoàn toàn chưa có khả năng tham gia xuất khẩu. Chỉ có 23,8% số DN có hàng xuất khẩu, 13,7% số DN có triển vọng xuất khẩu.
Trong khi đó, theo Bộ Công thương, giá trị máy móc thiết bị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hiện nay chỉ còn 30% so với giá trị ban đầu và lạc hậu hơn 30 năm so với các nước. Cụ thể: ngành dệt may có đến 45% thiết bị máy móc của các DN cần phải nâng cấp, trong đó khoảng 40% số máy móc cần thay thế. Ngành công nghiệp cơ khí còn lạc hậu hơn 40 năm so với các nước trong khu vực ASEAN và cũ hơn so với các nước có nền công nghiệp phát triển khoảng... 50 năm.
Khảo sát 429 doanh nghiệp về trình độ công nghệ tại 12 khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn cuối năm 2009, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM công bố, chỉ có 3/429 DN có trình độ công nghệ sản xuất thuộc vào hàng tiên tiến; 228 DN (chiếm 51%) có sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu. Tỷ lệ DN đạt mức độ tự động hoá hoàn toàn chiếm 25%, bán tự động 60% và 15% còn lại chỉ đạt mức thủ công cơ khí.
Tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, 67% DN sử dụng thiết bị lạc hậu; tỉ lệ này ở khu công nghiệp Tân Thuận là 63%, 36% đạt mức trung bình, chỉ có 1% số DN đạt trình độ công nghệ sản xuất vào loại khá.
DN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất như Linh Trung, Tân Tạo, Cát Lái, Vĩnh Lộc... hiện chiếm 31% - 59% sử dụng công nghệ lạc hậu để sản xuất hàng hóa. Các DN sản xuất bằng thiết bị công nghệ thấp tập trung vào các ngành như sản xuất cao su, cơ khí, dệt may, gỗ, giấy, da giày...
Việc dùng máy móc cũ, lạc hậu còn phát sinh thêm chi phí sản xuất như hao điện, xăng dầu, tiền sửa chữa, tiền khấu hao, mẫu mã sản phẩm thiếu sắc sảo, hàm lượng giá trị gia tăng thấp... dẫn đến tính cạnh tranh của hàng Việt giảm.
Đầu tư và đăng ký sở hữu
Theo Bộ Công thương, tổng vốn đầu tư thiết bị cho các công trình công nghiệp của nước ta từ nay đến năm 2025 là 250 tỷ USD. Trong khi đó, mỗi năm nước ta phải nhập khẩu từ 10 - 18 tỷ USD các thiết bị, sản phẩm cơ khí.
Cho đến nay, ngành cơ khí nước ta vẫn chưa có các cơ sở công nghiệp có thiết bị công nghệ tiên tiến, đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao, cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, trong hơn 20 năm qua, Nhà nước chưa đầu tư được một nhà máy cơ khí trọn vẹn nào. Vì thế, ngành cơ khí ở nước ta khó bứt phá lên được.
Để ngành cơ khí phát triển, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ tiếp tục lựa chọn một số sản phẩm cơ khí chế tạo để tập trung đầu tư những nhà máy quan trọng, có công nghệ tiên tiến, chế tạo thiết bị đồng bộ, máy phục vụ nông nghiệp, chế biến nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp và xuất khẩu.
Bên cạnh tập trung vào việc đầu tư công nghệ mới, xây dựng nhà máy mới... thì vấn đề cũng hết sức quan trọng là phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM cho rằng, nhiều DN chưa nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Vì thế, họ không đăng ký và xác lập quyền sở hữu cho hàng hóa của mình, đã tạo điều kiện cho đối tượng làm hàng nhái lợi dụng. Khi hàng hóa bị làm giả, các DN cũng chưa chủ động đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả, thiếu các biện pháp thông báo, tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng. Đó chính là những yếu tố làm hàng Việt lao đao.
Theo Phong Vân-Thế Vĩnh (Báo Văn hóa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN
♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách) là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!