11 tháng 5, 2010

Nhập Siêu Từ Trung Quốc Chiếm Tỷ Lệ Áp Đảo

Sau bốn tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 4,65 tỷ USD (chiếm khoảng 23,1% kim ngạch xuất khẩu). Trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tới 75,4% tổng kim ngạch nhập siêu của cả nước.

Nhập khẩu Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Trung Kiên.

Tiếp tay trốn thuế

Theo Bộ Công thương, bốn tháng đầu năm, nhập khẩu một số mặt hàng tăng đột biến: 833 triệu USD để nhập thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 97% so với cùng kỷ 2009), cao su các loại tăng 93,5%, lúa mỳ tăng 57,3%… Tuy nhiên, trong số các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh, một lượng lớn gắn với xuất xứ “made in China”. Chẳng hạn, phân bón các loại tiêu thụ ở Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc (chiếm tới hơn 37% thị phần), thuốc trừ sâu (chiếm 41,46%), tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Phan Thị Thanh Minh, Phó vụ trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thừa nhận: “Những nguyên liệu Việt Nam có nhu cầu lớn như may mặc, da giày, điện tử… Trung Quốc lại có sẵn và rẻ hơn giá thế giới”. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng do hình thành những quan hệ ngầm, giao ước “phi văn bản” xác lập lâu nay giữa các chủ hàng Trung Quốc với đối tác Việt Nam.

“Từng tiến hành khảo sát trao đổi thương mại với Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy các chủ hàng Trung Quốc sẵn sàng khai gian chứng từ nhập khẩu, tiếp tay trốn thuế cho bạn hàng Việt Nam. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc còn “giúp” làm giả xuất xứ để hàng dễ dàng được đưa vào nội địa. Cũng vì điều này mà EU khi đánh thuế chống bán phá giá hàng Trung Quốc bao giờ cũng lôi cả Việt Nam vào vì họ sợ nếu không Trung Quốc sẽ làm giả xuất xứ hàng Việt Nam”, ông Nam nói. Thực tế, sau 9 năm Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc (2001), mức độ lệ thuộc ngày càng gia tăng. Tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc chỉ chiếm 17,7% tổng nhập siêu (năm 2001) đến năm 2009, đã tăng lên 90% (tương đương 11,5 tỷ USD).

Bãi tập kết hàng tồn kho, kém phẩm chất?

Theo các chuyên gia kinh tế, lý do chính khiến Việt Nam khó dứt khỏi sự phụ thuộc nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc còn bởi tâm lý “đi buôn” của các nhà nhập khẩu. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định: “Thực tế những năm qua, các doanh nghiệp mỗi khi cần nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất sẵn sàng chuyển sang đi buôn để kiếm lời, khi nhập được hàng Trung Quốc giá rẻ, về bán ăn chênh lệch”. Tâm lý này phổ biến ở một số ngành như sắt thép, phân bón – hóa chất…

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nam cho rằng, không ít nhà nhập khẩu, trong đó có cả các doanh nghiệp Nhà nước lấy lợi ích thương mại là chính, không vì lợi ích chung của thị trường nội địa. Cho nên, hàng kém phẩm chất, hàng Trung Quốc bị các nước EU, Mỹ phát hiện kém chất lượng, lập tức chạy vào thị trường Việt Nam tiêu thụ, biến nước ta thành bãi tập kết tiêu thụ không ít hàng tồn kho, kém phẩm chất.

Thực tế, theo bà Minh: “Tất cả các mặt hàng nhập khẩu đều đã có quy chuẩn về chất lượng. Tuy nhiên, do khâu kiểm tra, giám sát không chặt ngay từ cửa hải quan nên hàng kém phẩm chất vẫn vào được thị trường”. Việc kiểm soát lỏng lẻo này, theo bà, không ngoài khả năng, một bộ phận cán bộ quản lý thị trường vùng biên còn làm ngơ cho doanh nghiệp nhập nhèm. “Những tiêu cực này đang ăn sâu vào nền kinh tế, càng để muộn, bệnh càng kháng thuốc, khó chữa”, bà Minh nói.

Vụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương đang xây dựng đề án chống nhập siêu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một thành viên ban soạn thảo cho biết, dù đã “thai nghén” gần một năm nay, song đề án vẫn chưa hoàn thành.
Theo Lam Thanh - Thu Hoài (baodatviet.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!