29 tháng 5, 2010

Tìm Hướng Đi Cho Nghề Dệt Thổ Cẩm Ở Tân Lập

Bóng dáng những chiếc túi thổ cẩm, thảm thổ cẩm… do người dân tộc Tày ở Làng Văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) tự làm ra giờ đã không còn thấy ở các gian hàng bày bán đồ lưu niệm tại Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào. Cuối năm 2007, Chi cục Hợp tác xã thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư mô hình dệt thổ cẩm tại Làng Văn hóa Tân Lập, tạo cơ sở để hình thành làng nghề, nhưng sau một thời gian ngắn, nghề dệt thổ cẩm ở đây không còn hoạt động.

Chị Lưu Thị Phương, thôn Tân Lập bên chiếc khung cửi đã lâu không được sử dụng và những sợi dệt mắc lên khung vẫn còn dang dở.

Những khung cửi bị lãng quên

Chị Lý Thị Tư, thôn Tân Lập chỉ tay về một góc nhà sàn nói: “Bây giờ nhà nào cũng để khung cửi ở chỗ đó cả rồi”. Gia đình chị Tư là một trong 11 hộ trong thôn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư khung cửi dệt thổ cẩm, được trang bị kiến thức về dệt thổ cẩm và tạo ra các sản phẩm thổ cẩm để giới thiệu và bán cho du khách tham quan. Bên chiếc khung cửi đã phủ một lớp bụi dày, những sợi dệt mắc lên khung vẫn còn dang dở, chị Tư cho biết: Sau khi được hướng dẫn kiến thức về dệt thổ cẩm, chị cùng các chị em phụ nữ khác trong thôn chia thành từng nhóm từ 3 - 4 người đã dệt được một số sản phẩm thổ cẩm bày bán tại các gian hàng lưu niệm trong Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào, bước đầu giới thiệu với khách tham quan. Song chưa đầy một năm sau đó, 11 chiếc khung cửi do Nhà nước hỗ trợ đã bị lãng quên và không phát huy được hiệu quả. Bà Bế Thị Chín và chị Trương Thị Diễn là hai hộ duy trì nghề dệt thổ cẩm được lâu hơn các hộ còn lại thì cuối năm 2008, những vòng sợi bên chiếc khung cửi của các chị cũng đã ngừng quay. Ông Ma Anh Tuấn, Trưởng thôn Tân Lập tỏ vẻ tiếc nuối “Nếu khách tham quan có mong muốn được ngồi vào khung cửi dệt thử hay chứng kiến phụ nữ Tày ở đây dệt thổ cẩm như thế nào thì cũng đành chịu thôi, vì giờ có ai dệt nữa đâu”.

Tìm hướng ra thị trường

Làng Văn hóa Tân Lập nằm trong Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào. Khách du lịch đến đây vừa để tham quan các điểm di tích lịch sử vừa có nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức nét đẹp bản sắc văn hóa của dân tộc Tày. Để làm ra một sản phẩm dệt thổ cẩm, chị em phải mất rất nhiều công sức và thời gian. Do làm bằng kỹ thuật thủ công nên một tấm thảm bằng chất liệu thổ cẩm dài khoảng 7 mét có khi phải mất 8 đến 9 ngày. Từ các công đoạn ngâm sợi, cuộn sợi, quay sợi, mắc sợi lên khung để dệt phải rất tỉ mỉ, đòi hỏi phải có từ 2 đến 3 người. Chị Ma Thị Phượng cho biết, nếu một trong các thao tác bị lỗi chúng tôi phải làm lại từ đầu, thậm chí dệt lỗi 1 sợi cũng sẽ không thành hoa văn. Sau khi dệt xong, chị em phải mang sản phẩm thuê thợ may thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Đa số các chị em chỉ tranh thủ thời gian rảnh rỗi để dệt, do tay nghề dệt chưa cao nên thời gian để tạo ra một sản phẩm dệt thổ cẩm lâu hơn. Người dân lại chưa có kiến thức kinh doanh, quảng bá về sản phẩm dệt tự mình làm ra với du khách tham quan.

Giá bán của sản phẩm thổ cẩm này cao hơn so với các sản phẩm thổ cẩm được sản xuất từ nơi khác. Một tấm thảm thổ cẩm có chiều rộng 50 cm, dài 6m được bán với giá 600 nghìn đồng hay một chiếc ví thổ cẩm nhỏ có giá 50 nghìn đồng, một bộ lót ghế gồm 3 chiếc được bán với giá 400 nghìn đồng… Các sản phẩm thổ cẩm hoa văn chưa phong phú, kiểu dáng, mẫu mã chưa đa dạng cùng với giá bán cao nên không bán được và chưa tạo được ấn tượng với khách hàng, do vậy người dân chưa mặn mà với nghề. Mặt khác, các sản phẩm thổ cẩm do người dân tạo ra còn nghèo nàn, chưa có nhiều tiện ích phục vụ cho đời sống sinh hoạt con người, chủ yếu là thảm giường, thảm trải sàn, lót ghế, ví. Bên cạnh đó, chưa có sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ của chính quyền địa phương với người dân Làng Văn hóa Tân Lập trong việc khuyến khích phát triển nghề truyền thống. Đó chính là lý do vì sao sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân ở đây không tìm được chỗ đứng trên thị trường, không mang lại thu nhập cho người dân.

Làng Văn hóa Tân Lập còn gìn giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống theo kiến trúc nhà ở truyền thống của người Tày, song chiếc khung cửi - linh hồn nghề dệt thổ cẩm của người Tày thì vẫn còn để ngỏ.

Cần có tâm huyết

Đồng chí Lưu Xuân Hải, Trưởng phòng Quy hoạch ổn định dân cư, Chi cục Hợp tác xã thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2009, Chi cục có chủ trương đầu tư một chiếc máy dệt công nghiệp, 20 chiếc máy khâu để người dân Làng Văn hóa Tân Lập duy trì nghề dệt thổ cẩm nhưng không thực hiện được vì người dân không mấy mặn mà. Cũng theo đồng chí Lưu Xuân Hải, để duy trì nghề dệt thổ cẩm rất cần những người có tâm huyết, có khả năng đứng ra tổ chức sản xuất, tìm kiếm mẫu mã và đầu ra cho sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng nhất để nghề dệt thổ cẩm ở đây tồn tại. Song để làm được điều đó trước hết là cần thay đổi tư duy làm ăn của người dân là còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, người dân vẫn có suy nghĩ rằng sau khi được hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm, chính quyền cần tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm họ làm ra. Và để tạo thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích, phối hợp trong việc trang bị kiến thức kinh doanh, quảng bá sản phẩm với khách du lịch cho người dân. Nhất là nâng cao tay nghề dệt thổ cẩm để người dân tạo ra những sản phẩm thổ cẩm tinh xảo, mẫu mã đa dạng, có sức cạnh tranh với các mặt hàng dệt thổ cẩm được sản xuất từ nơi khác.

Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào hàng năm đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trong số đó có một lượng lớn du khách chú ý đến nét văn hóa đặc thù này. Các gian hàng bày bán đồ lưu niệm tại Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân trào là nơi thuận lợi để trưng bày, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của người dân. Duy trì và phát huy hiệu quả nghề dệt thổ cẩm không chỉ tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân mà còn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Tày tại Làng Văn hóa Tân Lập.
Theo Báo Tuyên Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!