23 tháng 6, 2010

Bán Hàng Qua Truyền Hình: Chưa Hiệu Quả!

Thay vì phải dành hàng giờ đi siêu thị, với lỉnh kỉnh hàng hóa “tay xách nách mang”, các bà nội trợ ngày nay có thể ngồi nhà, nhấc máy gọi điện thoại để được tư vấn và mua những món hàng mình cần.

Mua hàng qua truyền hình, người tiêu dùng sẽ bớt “tay xách nách mang” (Ảnh minh họa)

Nở rộ kênh truyền hình mua sắm

Tại Việt Nam, bán hàng qua truyền hình mới xuất hiện cách đây vài năm. Nhưng đến giữa năm 2008, TV Shopping (TVS) - kênh truyền hình đầu tiên chuyên về mua sắm mới được phát sóng trên kênh VCTV11 của Truyền hình cáp Việt Nam. Ngay sau đó, nhiều đài truyền hình cũng “ăn theo” xu hướng này để sản xuất các chương trình truyền hình giống với các chương trình bán hàng, hoặc phát những đoạn phim mang tính chất quảng bá sản phẩm theo hình thức tư vấn tiêu dùng kèm theo địa chỉ, số điện thoại bán hàng như:

Tư vấn tiêu dùng, Tiêu dùng và cuộc sống trên kênh Style TV; Cuộc sống tiện ích, Mua sắm thú vị trên kênh H1, H2 (Truyền hình Hà Nội). Ngoài TV Shopping là kênh mua sắm duy nhất của Truyền hình Trung ương, một số kênh mua sắm phát sóng trên truyền hình cáp địa phương nhưng cũng rất phổ biến hiện nay như: Viet Home Shopping (VHS) trên HTVC+, Home Shopping Network (HSN) phát sóng 24/24 giờ trên kênh SCTV…

Điểm chung của mua sắm trên truyền hình là xem chương trình giới thiệu sản phẩm trên tivi, sau đó khách hàng gọi điện thoại đến tổng đài để được tư vấn. Nếu khách đồng ý mua thì để thông tin địa chỉ, số điện thoại. Toàn bộ thông tin này sẽ được chuyển qua phòng giao hàng và trong vòng từ 1-3 ngày, khách hàng sẽ nhận được món hàng mình đặt mua.

Còn nhiều sạn

Bên cạnh những tiện ích của mua sắm trên truyền hình như tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, mặt hàng mới lạ, hấp dẫn… bán hàng qua tivi cũng còn nhiều bức xúc. Chị Hoàng Lan (Xuân Đỉnh - Từ Liêm) tới giờ vẫn ấm ức vì mua phải chiếc vòng “rởm” khi xem quảng cáo trên một kênh truyền hình mua sắm địa phương.

Theo chị Lan, chiếc vòng được quảng cáo là “Chiếc vòng hộ mệnh titan” có “n” tác dụng với giá 990.000 đồng/bộ đôi vòng nam và nữ; được mạ vàng tây 20 ca-ra, mặt dưới của vòng khảm các hạt nam châm đen và hạt gốm ion. Nhưng nhận hàng, chị Lan thất vọng tràn trề bởi chiếc vòng có chất lượng chỉ đáng vài chục nghìn đồng!

Còn theo bà Lài (Trung Kính - Cầu Giấy), bà đã mua được một số mặt hàng ưng ý như: máy lọc nước Kangaroo, bộ nồi Sunhouse. “Tuy nhiên, chiếc chổi quét đa năng mà tôi mua qua truyền hình, sau thời gian ngắn sử dụng thấy chất lượng không đảm bảo.

Tôi gọi điện đến số tổng đài của kênh TV Shopping thì hóa ra hàng này không phải của họ. Nhiều đài bán hàng quá, khó phân biệt”. Trên các diễn đàn, khách hàng cũng phàn nàn về việc giá cả nhiều mặt hàng trên truyền hình thiếu tính cạnh tranh so với các mặt hàng tương tự bán ngoài thị trường.

Theo quy định của Bộ TT-TT, các đài truyền hình sẽ phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về chất lượng, giá cả, nguồn gốc… của sản phẩm. Tuy nhiên, cái khó là nhà đài không phải là cơ quan chuyên môn để kiểm tra chất lượng của từng sản phẩm được bán qua sóng truyền hình.

Họ chỉ đánh giá được hàng hóa dựa trên tính hợp pháp của sản phẩm như: xuất xứ hàng hóa, chứng nhận chất lượng, đăng ký kinh doanh của đơn vị bán, còn sản phẩm từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng thì dường như vẫn bị thả nổi. Bởi vậy, tình trạng quảng cáo “thổi phồng” sự thật khiến người mua thất vọng về sản phẩm đặt hàng qua truyền hình vẫn diễn ra.

Mặc dù vậy, nhiều người nhận định, bán hàng qua truyền hình tại Việt Nam tuy còn khiêm tốn so với các hình thức mua sắm truyền thống nhưng đã góp phần tạo nên một diện mạo tiêu dùng mới trong xã hội và đã có một cộng đồng khách hàng riêng của mình. Trong tương lai, xu thế này sẽ trở thành tất yếu khi bộ ba doanh nghiệp - đài truyền hình - người tiêu dùng tuân thủ chặt chẽ các quy định về chất lượng, dịch vụ, giá cả cũng như sự thay đổi thói quen tiêu dùng truyền thống.
Theo ANTĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!