Anh Minh (cửa hàng Minh Thanh) giới thiệu đầu đĩa nhãn hiệu Dopod (thương hiệu Việt Nam) cho khách hàng.
Thị phần nhỏ hẹp
Các siêu thị điện máy lớn ở TP. Biên Hòa như: Chợ Lớn, Phan Khang... đều cho biết, hàng điện máy thương hiệu Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu hàng hóa, chỉ từ 5 - 7% với vài nhóm hàng như: tivi, tủ lạnh, quạt điện, nồi cơm điện... Hiện tại, các thương hiệu nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường dưới hình thức hàng nhập khẩu và hàng liên doanh sản xuất trong nước với nhiều thương hiệu nổi tiếng từ lâu: Sony, Samsung, LG, Panasonic, Hitachi, Toshiba...
Khảo sát thị trường cho thấy, hàng điện máy Việt Nam đang khá đơn điệu với một số nhóm hàng, thương hiệu như: tivi VTB, Sam; nồi cơm điện Hiệp Hưng, Kim Cương, Kim Tiền; quạt điện Asia, Hanaco... Vài năm gần đây, một số sản phẩm mang nhãn hiệu Funiky của tập đoàn Hòa Phát như tủ lạnh, máy lạnh... cũng đã có mặt trên thị trường. "Riêng về loa và thiết bị âm thanh thì hàng Việt đang chiếm ưu thế với các nhãn hiệu như: Dopod, Kones, Acnos, Nicken, P.A... Song, chưa có nhãn hiệu nào thực sự tạo được ấn tượng về uy tín và chất lượng để có thể cạnh tranh với hàng ngoại một cách lâu dài. Với mặt hàng tivi thì hàng Việt cũng chỉ loanh quanh vài mẫu hàng giá rẻ mà các thương hiệu nổi tiếng đã ngưng sản xuất, như các loại tivi màn hình 14 đến 17 inches hay các loại tivi màn hình lồi đã hết thịnh hành" - anh Minh, chủ cửa hàng điện máy Minh Thanh trên đường Cách mạng tháng Tám - nói.
Chị Hạnh, chủ cửa hàng đồ điện gia dụng V.H ở khu vực chợ Biên Hòa cho biết, trong tổng số hàng hóa cửa hàng chị bán hàng ngày bao gồm các mặt hàng điện tử gia dụng, như: nồi cơm điện, phích nước, máy xay, lò vi sóng, quạt điện, bàn ủi... thì hàng điện máy của Việt Nam chỉ tham gia được vài mặt hàng cơ bản như nồi cơm điện, quạt điện, còn lại "nhường chỗ" cho hàng Thái Lan, Trung Quốc, Nhật, Đài Loan...
Đâu là lợi thế cạnh tranh?
Ông Đoàn Đình Lũy, Giám đốc chi nhánh Đồng Nai của hệ thống trung tâm mua sắm Phan Khang, phân tích: "Thật ra, các mặt hàng có công nghệ đơn giản nhưng sức mua lớn như máy sấy, bàn ủi, máy ép, máy xay... thì các doanh nghiệp trong nước thừa sức để làm. Tuy nhiên, nếu làm với số lượng ít thông qua các tổ hợp sản xuất hay các nhà máy nhỏ thì rất khó cạnh tranh với hàng ngoại, nhất là hàng Trung Quốc. Lý do là họ sản xuất hàng triệu chiếc, bán khắp thế giới nên giá thành hạ xuống rất rẻ, hàng Việt rất khó cạnh tranh". Theo đó, các mặt hàng gia dụng giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc và một số nước khác tuy có điểm yếu là không rõ ràng về hậu mãi, chất lượng cũng chưa thực sự thuyết phục, song vẫn bán chạy vì giá rẻ và mẫu mã bắt mắt.
Anh Minh, chủ cửa hàng Minh Thanh, nhận định: "Nói là hàng Việt Nam nhưng thật ra là vỏ nội, ruột ngoại. Theo tìm hiểu của tôi thì nhiều nhà sản xuất trong nước cũng nhập linh kiện giá rẻ về lắp ráp rồi dán nhãn sản phẩm, do đó chất lượng tuy không hơn nhiều so với hàng ngoại giá rẻ, song nhà sản xuất có thể đứng ra bảo hành, đó là một lợi thế. Quan sát sau nhiều năm bán hàng cho thấy, hàng ngoại giá rẻ có ưu thế về giá nhưng hầu như không bảo hành, nhưng một vài nhà sản xuất Việt Nam có chế độ bảo hành tốt, do đó hàng hóa cũng có chỗ đứng trên thị trường".
Giám đốc một siêu thị điện máy lớn ở TP. Biên Hòa cũng cho rằng, hàng điện máy Việt nên có cách làm "chậm mà chắc" trong quá trình thâm nhập thị trường. Không thể một sớm một chiều cạnh tranh ngay được với các thương hiệu nổi tiếng thế giới về mẫu mã hay giá tiền, mà nên đi vào phân khúc hàng bình dân, song đặt chất lượng hàng và chế độ bảo hành tốt làm trọng, điều này sẽ làm nên lợi thế cạnh tranh về lâu dài của hàng điện máy Việt Nam.
Theo Báo Đồng Nai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN
♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách) là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!