Để đứng vững, hàng Việt vẫn còn phải vượt qua vô vàn khó khăn (Ảnh:tuoitre)
Thị trường bán lẻ nước ta liên tục trong 5 năm gần đây và cả năm 2010 được các tổ chức quốc tế có uy tín cùng các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất tiềm năng, bởi có mức tăng trưởng luôn cao hơn 10%/năm, sau khi loại trừ yếu tố tăng giá, lạm phát. Trong chiếc bánh thị trường hấp dẫn này, có bao nhiêu phần là hàng hóa trong nước sản xuất được tiêu thụ, hay phần ngon vẫn dành cho hàng ngoại?
Hai năm qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, thị trường thế giới bị co hẹp, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mới như giật mình tỉnh giấc, quay về chinh phục thị trường nhà, và đây được kỳ vọng là điểm tựa giúp doanh nghiệp vượt khó. Cuộc chinh phục của hàng Việt trên chính sân nhà, cho dù được tiếp sức bởi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng để đứng vững, hàng Việt vẫn còn phải vượt qua vô vàn khó khăn trên con đường gập ghềnh khúc khuỷu.
Ở chợ Hội - trung tâm mua bán, trao đổi hàng hóa của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) - tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước khá ít nếu so với hàng hóa của Trung Quốc đưa từ biên giới phía Bắc về và hàng Thái Lan từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) hoặc Lao Bảo (Quảng Trị) sang. Trong nhà của những người tiêu dùng nông thôn như chị Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Thiên Cầm (Hà Tĩnh) có rất nhiều đồ dùng gia đình nhập khẩu, kể từ cái âu đựng cơm: “Nồi cơm điện, tủ lạnh nhà tôi đều là hàng Thái. Mua ở cửa hàng cũng có mà hàng lậu cũng có. Hàng Thái Lan không rẻ nhưng dùng tốt, người ta mang đến tận nhà”- chị Hoa cho biết.
Hàng nội bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng ngoại nhập khẩu, trong đó có không ít hàng nhập lậu, hàng kém phẩm chất hoặc hàng hết hạn sử dụng. Trong đó, sản phẩm dệt may gặp khó khăn nhiều nhất vì nước ta nằm kề một thị trường có năng lực sản xuất lớn và có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm từ giá rẻ tới cao cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, là Trung Quốc.
Theo anh Lê Xuân Thông ở Lục Nam (Bắc Giang), người tiêu dùng trẻ đang khó lựa chọn mua hàng Việt Nam vì đến tận bây giờ các doanh nghiệp dệt may vẫn thiếu những nghiên cứu phù hợp với sự phát triển thể chất và nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng trong nước. “Hàng trong nước tốt nhưng mẫu mã chưa thời trang và giá cả chưa hợp túi tiền”- anh Thông nhận xét.
Các doanh nghiệp cũng khó mà đưa hàng của mình về nông thôn, nếu không có một chiến lược kinh doanh bài bản. Ngay cả những tên tuổi lớn như Công ty May 10 cũng vẫn để những khoảng trống trên thị trường nông thôn như nhìn nhận của ông Thân Đức Việt - Giám đốc điều hành Công ty: “Nếu ở các trung tâm lớn như Hà Nội, TP HCM mua hàng May 10 rất dễ, nhưng về thị trường nông thôn thì khó hơn, do hệ thống phân phối của chúng tôi vẫn còn những điểm yếu”.
Thị trường nông thôn với 70% dân số được coi là tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc vận động trở lại thị trường nội địa. Nhưng sự trở lại ấy không dễ dàng, vì người tiêu dùng nông thôn đã quen với những mặt hàng nhập khẩu (trong đó có nhiều thứ hàng nhập lậu) hoặc hàng nhái, ăn theo các thương hiệu danh tiếng, hàng phẩm cấp thấp... Từ chai nước mắm, gói bột canh, đến hóa mỹ phẩm, quần áo, hàng điện tử, điện dân dụng... người dân nông thôn ít khi mua được hàng đúng phẩm cấp và đúng giá. Ông Phan Thế Ruệ - nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam - cho rằng: “Hệ thống phân phối của ta qua nhiều tầng nấc nên đội giá và gây khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn.”
Hàng Việt ở chợ nông thôn có chăng là những sản phẩm nhái, ăn theo các nhãn hiệu nổi tiếng, và cũng chỉ khi các cơ quan có chức năng quản lý thị trường vào cuộc thì người tiêu dùng nông thôn mới biết đó là hàng nhái. Có thể coi thị trường nông thôn hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm kém chất lượng, chứ chưa là điểm dừng chân của hàng Việt Nam có chất lượng. Những khoảng trống của hàng Việt ở khu vực nông thôn, theo lý giải của ông Võ Văn Quyền – Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước- Bộ Công thương: “Việc xác định nhu cầu và tổ chức phân phối - cả hai đều trống. Doanh nghiệp chưa nắm bắt được nhu cầu của người dân khu vực nông thôn; chưa thiết lập được hệ thống phân phối, đưa hàng đến tay người tiêu dùng.
Gần hai năm qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, với sự tiếp sức của các cơ quan chức năng như Sở Công thương các địa phương, đã được tổ chức ở nhiều nơi. Những đợt bán hàng này của doanh nghiệp được người dân nông thôn đón nhận rất nhiệt tình - cho thấy nhu cầu tiêu dùng ở khu vực này khá cao và đa dạng. Nhưng điều đáng buồn, hầu hết kết thúc mỗi đợt bán hàng, doanh nghiệp “một đi không trở lại”, bà con muốn mua hàng cũng chẳng biết mua ở đâu. Từ việc thiếu vắng sự hiện diện của hàng Việt có chất lượng tại khu vực nông thôn, người tiêu dùng có muốn yêu và ưu tiên hàng Việt thì cũng rất khó. Cho dù hàng năm, tổng mức bán lẻ và lưu chuyển hàng hóa ở khu vực nông thôn nói riêng cũng như cả nước nói chung vẫn tăng đều đều, như năm 2009 con số này là 19%!.
Theo VovNews
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN
♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách) là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!