Bài 1: Hàng Việt ở chợ nông thôn – Con đường gập ghềnh
Thành phố Hà Nội là trung tâm thương mại lớn và cũng là đầu mối cung cấp nhiều loại hàng hóa cho các tỉnh phía Bắc. Đây cũng là nơi nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm nơi đặt cơ sở sản xuất gắn với thương hiệu Việt. Song thật đáng buồn, tại thị trường quan trọng này, dường như hàng Việt chưa có nhiều chỗ đứng.
Chợ đêm phố cổ Hà Nội kéo dài từ đầu phố Hàng Đào đến hết phố chợ Đồng Xuân nổi tiếng là phố buôn bán, trên là trời, dưới là hàng hóa và gần như đủ mọi thứ hàng hóa, vật dụng từ mặt hàng nhỏ nhất là cái kim, sợi chỉ nhưng nhiều ý kiến cho rằng: để tìm và mua được những sản phẩm được sản xuất từ trong nước thì thật ít.
Hàng nhập ngoại phong phú, giá rẻ
Một số khách hàng phản ánh: “Hàng hóa ở đây phong phú, đa dạng, chủ yếu là hàng Trung quốc, cái gì cũng có, mẫu mã đẹp, giá cả lại phải chăng nên thu hút người tiêu dùng. Hàng Việt bày bán ở đây ít lắm, có thì mẫu mã chưa đẹp mà giá đôi khi cao hơn”. “Ở ngay giữa Thủ đô, trung tâm văn hóa, buôn bán lớn như thế này nhưng hàng được sản xuất trong nước được bày bán rất ít, chủ yếu là hàng ngoại nhập. Hàng ngoại chủ yếu là hàng Trung Quốc, chất lượng hàng hóa cũng không rõ lắm nhưng thấy đẹp, vừa túi tiền thì chọn mua”.
Phố Hàng Đường, Hàng Buồm được coi là địa chỉ, là đầu mối phân phối các loại bánh kẹo lớn cho các tỉnh phía Bắc nhưng tiếp cận nơi này thì thật bất ngờ là các sản phẩm bánh kẹo thương hiệu Việt rất ít, chỉ trừ những dịp như Tết Trung Thu, Tết cổ truyền- những hộ kinh doanh mới tập trung bán những mặt hàng bánh mứt truyền thống.
Một loại mặt hàng khác được tiêu thụ khá mạnh ở các công sở, trường học, đó là đồ dùng văn phòng phẩm- quan sát trên thị trường, chúng ta có thể thấy hàng ngoại nhập chiếm tới hơn 70% tổng số các mặt hàng.
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ cửa hàng văn phòng phẩm, 42B Lý Thường Kiệt-phố “văn phòng phẩm” của Thủ đô cho biết: “Đồ dùng văn phòng phẩm có nhiều loại nhất là bút. Hàng Trung quốc bắt mắt, rẻ và đẹp, vừa túi tiền. Bán chạy nhất là những mặt hàng bút nước chẳng hạn như bút chì kim hình đẹp, hàng giấy ngoại nhập. Giấy Bãi Bằng ít, bây giờ nhà máy sản xuất không đều nên người tiêu dùng không mua nhiều lắm, hàng giấy ngoại nhiều. Cặp sách học sinh hàng ngoại mẫu mã đẹp, phong phú”.
Bánh kẹo, văn phòng phẩm là vậy, còn với các mặt hàng may mặc và giày dép thì tỉ lệ hàng nội cũng không khả quan hơn. Ngay tại thị trường Thủ đô, nhưng các sản phẩm may mặc, giày dép có nguồn gốc Trung Quốc có mặt khắp nơi, từ chợ cho đến siêu thị và các cửa hàng thời trang, dù Việt Nam đang ở vị trí là nhà sản xuất giày dép lớn thứ hai thế giới.
Bà Nguyễn Thị Tòng - Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày Việt Nam thừa nhận: Một số công ty vốn làm hàng cho các nhãn hiệu quốc tế nhưng khi mở cửa hàng bán nội địa vẫn chưa thu hút được khách. Hiện còn hơn 1.000 cơ sở nhỏ đang tham gia sản xuất giày dép bán nội địa lại gặp khó bởi đa phần vẫn phải mua đế, simili, móc khoá, hạt đính, keo… từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất này không đủ sức thiết kế và sáng tạo mẫu mới, không có thương hiệu, phải phân phối qua chợ đầu mối, các chủ bán hàng sỉ, chỉ một số ít thương hiệu có mạng lưới phân phối riêng với hàng ngàn điểm bán nhưng số lượng điểm bán lẻ ít hơn, gây trở ngại cho người tiêu dùng. Trong khi đó, hàng Trung Quốc với chiết khấu cao cho người bán, giao hàng tận nơi bán nên đã len lỏi vào khắp các điểm bán, kể cả trong những cửa hiệu giày Việt Nam có thương hiệu.
Còn ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty Giày thời trang Việt Nam- Bách hóa giầy, cho rằng: “Thực ra, sản xuất cũng phải nhập vật liệu của nước ngoài, lệ thuộc đến 95% của nước ngoài. Phụ liệu chủ yếu là của Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Chỗ nào cũng tràn lan giày Trung Quốc. Cả dây chuyền nhập về mười mấy tỷ, mỗi ngày sản xuất được 50- 60 đôi”.
Với mặt hàng điện tử thì đến thời điểm này chúng ta mới có vài thương hiệu, như máy tính của CMS, dàn karaoke của Tiến Đạt, sản phẩm điện tử của VTB, còn lại chủ yếu là nhập khẩu linh kiện và lắp ráp thành sản phẩm. Hàng điện tử hiện nay ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn ngay giữa Hà Nội lại bày bán chủ yếu hàng hóa có xuất xứ từ các nước ASEAN.
Ông Nguyễn Quang Đức, Phó phòng Maketing, Công ty Cổ phần PicoPlaza, nêu thực tế: “Siêu thị Pico Plaza chuyên về sản phẩm điện máy nên phần lớn Pico bán các hàng sản phẩm chính hãng của các hãng điện tử lớn trên thế giới. Chính vì vậy lượng sản phẩm Made inVietnam không nhiều, chỉ chiếm từ 2 đến 3%, rơi vào các mặt hàng đồ gia dụng, đồ bếp nhỏ ví dụ như nồi niêu, xoong chảo, bếp gas, còn ti vi, điều hòa, tủ lạnh… là các sản phẩm chính hãng của các hãng điện tử lớn. Họ đặt nhà máy sản xuất tại các nước thứ 3 như Singapore, Thái Lan, Malaysia. Hàng Việt Nam đối với sản phẩm điện máy hiện nay thì gần như chưa có nhiều, chưa có thương hiệu của Việt Nam.
Cạnh tranh sát sạt
Hiện nay, một số mặt hàng Việt đang có chỗ đứng khá vững tại các trung tâm thương mại, siêu thị do chính sách ưu tiên hàng Việt, địa vị này của hàng Việt cũng khó mà giữ được lâu dài, khi mà chúng ta đang thực hiện nhiều hiệp định song phương, đa phương về tự do hóa thương mại, nhiều mặt hàng được nhập khẩu vào nước ta với mức thuế suất bằng 0, cạnh tranh sát sạt với hàng nội. Câu chuyện chuối Philippines “đánh bật” chuối Việt Nam trong siêu thị là một ví dụ mới nhất.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị BigC, nêu ý kiến: hiện nay hàng Việt chiếm tỉ trọng lớn trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nhưng nếu không có những chiến lược kinh doanh thì hàng Việt rất khó đến với người tiêu dùng: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho các nhà sản xuất Việt Nam có thể đưa hàng để bán trong siêu thị BigC đương nhiên trước tiên các nhà sản xuất Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chuẩn về chất lượng do Nhà nước cũng như là BigC quản lý và đưa ra...”
Theo nhiều chuyên gia, một trong những yếu tố làm hàng Việt khó ngay giữa Thủ đô nói riêng và các đô thị lớn nói chung là các doanh nghiệp trong nước, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn đầu tư có hạn nên khó có thể tìm được vị trí đẹp, giá “chịu được” để mở rộng thị trường. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp trong nước còn chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vừa có tiềm lực tài chính, trình độ quản lý, vừa nhiều kinh nghiệm quảng cáo tiếp thị, khuyến mại... trong khi đây lại chính là những hạn chế của doanh nghiệp trong nước./.
Bài 3: Để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Việt-bắt đầu từ đâu?
Theo VovNews
Tại sao khi nói đến cạnh tranh với hàng hóa nứoc ngoại thì các doang nghiệp trong nứoc lại nói là mình chưa đủ trình độ,bây giờ nhà nứoc giúp đỡ mà vẫn không đối đầu đựoc với doanh nghiệp nứoc ngoài nấu sau này nhà nứoc không còn hỗ trợ thì sẽ ra sao ?
Trả lờiXóa