Phiên chợ hàng Việt thu hút hàng nghìn người tiêu dùng nông thôn
Hàng Việt Nam thế chỗ hàng ngoại
Theo ông Trương Quang Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ngoài kết quả là tỷ lệ người Việt quan tâm đến hàng Việt tăng lên đáng kể, chương trình hành động này là “Cơ hội Vàng” cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Sản phẩm, hàng hóa được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Riêng 6 tháng đầu năm nay, các Sở Công Thương tỉnh, thành phố đã tổ chức được 68 đợt bán hàng về nông thôn với 857 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút gần 4,8 triệu lượt khách tham quan, mua sắm và đem lại doanh thu 1.476 tỷ đồng. Đồng thời, để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng nội địa đối với hàng Việt Nam, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức nhiều buổi bán hàng khuyến mãi và tham gia các hội chợ, triển lãm. Tại đây, các ngành hàng truyền thống của địa phương như: đồ may mặc, đồ dùng gia đình, sành sứ, hóa mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, bánh kẹo, giày dép… đã được người tiêu dùng so sánh và lựa chọn.
Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Công ty BSA cho hay: Các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã làm chuyển biến mối quan tâm của người tiêu dùng nông thôn về hàng Việt Nam. Thông qua đó, doanh nghiệp biết được “sức khỏe” của mạng lưới phân phối tại địa phương cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân để đáp ứng tốt hơn. Các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn cũng xây đắp mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam. “Trước đây, sự liên kết giữa các doanh nghiệp phía Bắc còn lỏng lẻo. Nhưng sau các chuyến đưa hàng về nông thôn, họ tự nguyện liên kết với nhau, hỗ trợ nhau vận chuyển hàng hóa, mua hàng của nhau để làm hàng khuyến mãi cho người mua…” - Bà Hạnh chia sẻ. Cũng theo bà Hạnh, muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước, không còn cách nào khác là phải xâm chiếm thị trường nông thôn, bởi số lượng người tiêu dùng ở đây lớn. Đây là “căn cứ địa” của mọi doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lữ Bằng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng phấn khởi cho biết: “Hiện nay, tại hệ thống siêu thị, các trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố, tỷ lệ hàng ngoại nhập đã giảm 20-30% so với trước kia. Tỷ lệ hàng Việt tăng lên, trong đó chủ yếu là các mặt hàng: may mặc, giày dép, cao su. Mẫu mã hàng Việt đã được cải thiện nhiều, chế độ hậu mãi cũng tốt hơn”.
Vẫn lo ngại tâm lý sính ngoại
Bà Đỗ Thúy Hương - Trưởng ban Kế hoạch - Đầu tư, Tổng Công ty Điện tử tin học chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi đã sản xuất được rất nhiều mặt hàng có mẫu mã, chất lượng và chức năng như hàng ngoại nhập. Chúng tôi cũng quan tâm hơn đến công tác bảo hành sản phẩm sau bán hàng, nhất là đối với các vùng nông thôn bởi đây là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, người tiêu dùng trong nước vẫn có tâm lý sính ngoại”! Dẫn chứng cho điều này, bà Hương cho biết, rất nhiều bệnh viện trong nước thích nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài, trong khi doanh nghiệp của bà đã sản xuất được các máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh thông dụng, có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập như: máy lắc máu, máy hút dịch… Giá hàng Việt Nam rẻ hơn 10 lần so với hàng nhập khẩu từ Ba Lan.
Đại diện Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ: “Đưa hàng Việt vào các trung tâm thương mại, siêu thị dễ hơn so với đưa hàng vào chợ truyền thống”. Bởi hàng hóa ở chợ thường giá thấp hơn, người buôn bán nhỏ tại các chợ cũng chưa có nhận thức đầy đủ về hàng Việt Nam. Bà Vũ Kim Hạnh cũng cho biết thêm, tại nhiều địa phương, lãnh đạo huyện còn chưa hiểu hết về cơ cấu hàng hóa được bán tại các chợ truyền thống của địa phương. Họ cam đoan không có hàng ngoại khiến các chuyên gia trong Công ty BSA phải đến tận nơi bán, chỉ cho lãnh đạo đâu là hàng Việt Nam, đâu là hàng nhập ngoại!
Theo Bộ Công Thương, mặc dù đạt được những kết quả đáng mừng song chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các địa phương vẫn khó thu hút các thương hiệu mạnh tham gia. Một số doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, một số hạn chế lớn vẫn chưa được khắc phục như tình trạng hàng nhái, hàng giả gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng; mẫu mã sản phẩm kém phong phú, khâu phân phối bán hàng kém. Trong 6 tháng còn lại của năm nay, Bộ Công Thương sẽ ráo riết chỉ đạo các Sở Công Thương và các doanh nghiệp khắc phục hạn chế, khai thác tốt hơn lợi thế “sân nhà”.
Theo ANTĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN
♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách) là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!