Người tiêu dùng chọn mua giày dép tại một chợ ở huyện Xuân Lộc.
Rộng, nhưng chưa dễ chen chân
Về tổng quan, thị trường nông thôn hiện còn khá "vắng vẻ" với mạng lưới bán lẻ phân bố rải rác và sức mua chưa cao. Một nghiên cứu mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường AC.Nielsen cho thấy, có đến 70% dân số Việt Nam sinh sống ở nông thôn, song mạng lưới cửa hàng bán lẻ tương ứng phục vụ họ chỉ chiếm 47% và mức tiêu dùng chỉ chiếm 27% doanh số bán lẻ trên cả nước. Từ đó, nhiều DN cho rằng, khả năng phát triển mạng lưới bán hàng và nâng cao sức mua của người dân nông thôn về lâu dài là khá khả quan. Tuy nhiên, khi nghiên cứu thực tế, cũng không ít DN cho rằng đây là một thị trường đầy thử thách, đòi hỏi một sự đầu tư bài bản, lâu dài nếu muốn tồn tại một cách vững vàng.
Bà Kim Hạnh, Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao, trong phát biểu tại diễn đàn kinh doanh "Thách thức kinh tế 2010" diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh phân tích: "Thực tế, tiếp cận và chinh phục thị trường nông thôn không đơn giản, bởi bài toán chi phí và tính chuyên nghiệp đang làm đau đầu nhiều DN Việt Nam. DN có thể "cắn răng" xây dựng hệ thống phân phối - vốn rất tốn kém và khó khăn, nhưng dù có làm được thì cũng chỉ mới đáp ứng được chưa đầy 50% yêu cầu đầu tư cho việc bán hàng ở nông thôn". Theo đó, sau giai đoạn xây dựng hệ thống phân phối là đến vấn đề quản lý và hỗ trợ, còn khó khăn hơn bởi ngoài việc tốn kém còn đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao. Khó khăn chung của DN trong nước khi chăm sóc hệ thống phân phối là lực lượng quản lý, bán hàng ở các địa phương vốn yếu về trình độ nhưng lại thường xuyên vấp phải sự canh tranh mạnh mẽ đang "nóng" dần lên ở nông thôn, bởi những đối thủ rất mạnh như các tập đoàn đa quốc gia. "Chỉ cần "ngủ quên trên chiến thắng" một vài tuần là có nguy cơ mất thị trường, và "giành lại trận địa" từ đối thủ cạnh tranh là vô cùng khó khăn, tốn công tốn của" - bà Hạnh ví von.
Nên tận dụng "kênh quảng bá tiểu thương"
Gần 1 năm phát động phong trào ưu tiên dùng hàng Việt, Đồng Nai cũng đã có nhiều đợt bán hàng về nông thôn khá thành công với những DN tham gia bền bỉ như: nhựa Chí Thành, nông sản sấy Thuận Hương, bếp ga Sakura, Co.op Mart Biên Hòa, Vinatex Biên Hòa 2... Hầu hết DN đều khẳng định, các chuyến bán hàng đạt hiệu quả tương đối về mặt quảng bá, bước đầu giúp người tiêu dùng ở nhiều vùng nông thôn tiếp cận một cách sinh động, trực tiếp với hàng Việt thông qua hình ảnh nhà sản xuất mang hàng đi bán khá ấn tượng.
Tuy nhiên, với người dân nông thôn, những đợt bán hàng rầm rộ "đến rồi đi" quả có gây hiệu ứng về mặt quảng bá thương hiệu, nhưng tiêu dùng hàng ngày thông qua các chợ của họ thì "kênh tư vấn tiểu thương" mới là một kênh bán hàng và quảng bá hữu hiệu. Song cho đến nay, hầu như chưa một đợt phát động, quảng bá hàng Việt Nam nào của Nhà nước hay DN được tổ chức ở các chợ nông thôn. Một tiểu thương ở chợ Xuân Trường, huyện Xuân Lộc cho biết, nhiều người tiêu dùng nông thôn hiện chỉ mua hàng thông qua 2 nguồn thông tin: quảng cáo trên truyền hình và tư vấn của người bán hàng. "Trong khi các tập đoàn đa quốc gia tư vấn sản phẩm và chăm sóc người bán hàng rất tốt thì các nhà sản xuất Việt Nam lại làm chưa tốt và chưa bền bỉ. Cũng có DN Việt Nam rất săn đón tiểu thương lúc đầu, nhưng khi hàng hóa chen vào kệ hàng được là... thôi, không quan tâm nữa. DN trong nước cũng không thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức về sản phẩm mới cho người bán nên nhiều khi người bán cũng ngại tư vấn cho khách xài hàng trong nước" - tiểu thương này nhận xét.
Khảo sát cho thấy, hiện chỉ có chừng 10 - 15 công ty sản xuất hàng tiêu dùng là có hàng hóa phân bố rộng khắp đến vùng sâu, vùng xa. Trong đó, chủ yếu là các công ty tuy có nhà máy sản xuất tại Việt Nam nhưng chủ sở hữu vốn là ở nước ngoài hoặc các tập đoàn đa quốc gia như: Unilever, P&G, ICP, Pepsi, Nestle... Với cả trăm nhãn hiệu và chủng loại hàng hóa phong phú, những công ty này đang áp đảo các DN trong nước tại thị trường nông thôn. Và, điều dễ nhận thấy là những DN có thị phần lớn nhất tại nông thôn thường là các DN biết tận dụng tốt nhất "kênh tư vấn tiểu thương" thông qua các hoạt động chăm sóc, bổ trợ kiến thức, cập nhật các thông tin mới về sản phẩm, quảng bá và dùng thử sản phẩm trực tiếp ở chợ... Đây là điều mà chưa nhiều DN sản xuất hàng trong nước làm được.
Theo báo Đồng Nai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN
♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách) là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!