21 tháng 7, 2010

Vedan Không Muốn Ra Toà Vì Tốn Nhiều Thời Gian!

Buổi làm việc vào sáng 20.7 giữa lãnh đạo, chuyên gia, luật sư của Vedan với các cơ quan ban ngành địa phương TP.HCM (theo đề nghị của Vedan) không mang lại kết quả khả quan. Vedan đưa ra con số bồi thường thiệt hại cho nông dân Cần Giờ tối đa là 12,655 tỉ đồng so với yêu cầu không thấp hơn 32 tỉ đồng của nông dân Cần Giờ.

giám đốc Vedan
Ông Yang Kun Hsiang, tổng giám đốc Vedan Việt Nam, thừa nhận: gây ô nhiễm tại Việt Nam thì phải xử theo pháp luật Việt Nam và quốc tế.

“Không bồi thường được thì hỗ trợ”

Tại buổi họp, luật sư của Vedan, ông Trần Văn Khanh nói việc nhân với 14 năm (từ lúc Vedan bắt đầu hoạt động vào năm 1994 đến năm Vedan bị bắt quả tang lén xả thải ra sông Thị Vải năm 2008) để tính toán thiệt hại của nông dân Cần Giờ là không thực tế. Việc tính toán thiệt hại phải tính theo từng năm rồi cộng lại, không thể dồn 14 năm cho một hành vi vi phạm trong một ngày. “Nếu không bồi thường được thì chúng tôi hỗ trợ, như vậy cần phải thương lượng trên cơ sở khoa học. Ngay hôm họp với tổng cục Môi trường về kết quả tính toán của viện Môi trường và tài nguyên, chính TP.HCM đã xin rút vì chỉ có 83ha bị thiệt hại”, ông Khanh kể lể.

Bằng thái độ kiên quyết không kém, ông Nguyễn Văn Phụng, chủ tịch hội Nông dân TP.HCM đề nghị luật sư phía Vedan đi ngay vào vấn đề xác định mức độ và phạm vi thiệt hại, không cần giải thích dài dòng vì hai bên đã qua rất nhiều cuộc họp nói về những vấn đề ấy rồi. Ông Phụng nói rõ: “Con số 83ha chỉ mới là ghi nhận tạm thời, bởi hồi đó chưa xác định được diện tích chồng lấn”.

Ngay sau đó, ông Yang Kun Hsiang, tổng giám đốc Vedan Việt Nam thừa nhận gây ô nhiễm tại Việt Nam thì phải xử lý theo pháp luật Việt Nam và quốc tế. “Việc ra toà tốn nhiều thời gian và phức tạp, chúng tôi mong muốn có một kết quả thương lượng phù hợp nên xin được để chuyên gia chúng tôi trình bày, trao đổi lại mức độ và phạm vi thiệt hại”, ông Yang Kun Hsiang nói.

32 tỉ đồng mới thôi kiện

Trình bày về tính toán thiệt hại của mình, chuyên gia của Vedan đưa ra khá nhiều bảng tính toán khác nhau với nhiều giá trị về tổng diện tích nuôi trồng, tỷ lệ % trách nhiệm, tỷ lệ đánh bắt… khác nhau. Khi phía TP.HCM hỏi “tóm lại, con số Vedan muốn bồi thường là bao nhiêu?”, phía Vedan tỏ ra khá lúng túng giữa con số hơn 12 tỉ đồng và hơn 17 tỉ đồng. Sau cùng, khẳng định đã tính toán ở mức cao nhất, chuyên gia Vedan đưa ra con số đề nghị bồi thường là hơn 12 tỉ đồng.

nước thải của Vedan
Người nuôi tôm ở xã Mỹ Xuân (Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) cố gắng làm sạch ao nuôi bị ô nhiễm bởi nước thải của Vedan.

Ông Đoàn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho rằng: theo thống kê thực tế của địa phương, diện tích mặt nước ảnh hưởng là 1.261ha chứ không phải 740ha theo cách tính của Vedan; mật độ loài cá là 77,72 tấn/km2 chứ không phải 14,79 tấn/km2. Ông Sơn cũng đưa ra đề nghị đơn giá là 45.000 đồng/kg tôm thay vì 50.000 đồng/kg như viện Môi trường và tài nguyên hay 21.000 đồng/kg tôm của Vedan đưa ra. Tổng mức bồi thường thiệt hại, theo tính toán của chính quyền huyện Cần Giờ, phải là 32,163 tỉ đồng.

Ông Yang Kun Hsiang cũng đề nghị TP.HCM bố trí thêm một buổi làm việc cuối cùng tại Cần Giờ để thống nhất lại các con số về diện tích, mức độ thiệt hại, mật độ loài cá và phạm vi ảnh hưởng…

Theo dự kiến, sáng thứ năm 22.7, Vedan sẽ tiếp tục làm việc với TP.HCM tại huyện Cần Giờ về con số bồi thường thiệt hại. Bên lề cuộc họp, đại diện hội Nông dân TP.HCM cũng như lãnh đạo chính quyền huyện Cần Giờ khẳng định sẽ không chấp nhận mức bồi thường thiệt hại dưới 32 tỉ đồng. Mặt khác, chính quyền và các đoàn thể vẫn tiếp tục hỗ trợ nông dân Cần Giờ tiếp tục hoàn tất hồ sơ khởi kiện Vedan. Theo dự kiến, hồ sơ khởi kiện sẽ gửi đến toà án nhân dân huyện Cần Giờ vào cuối tháng 7 nếu việc thương lượng không đạt kết quả mong muốn.

Báo cáo ban Bí thư vụ việc tại Đồng Nai

Chiều ngày 20.7, phó chủ tịch Trung ương hội Nông dân Việt Nam Đào Duy Lượng đã có buổi làm việc trực tiếp với hội Nông dân tỉnh Đồng Nai. Tại buổi làm việc, ông Lượng nhận xét Đồng Nai quá chậm chạp trong việc giúp dân thống kê thiệt hại và đòi Vedan bồi thường. Việc hội Nông dân Đồng Nai chưa thống kê thiệt hại đã vội đi lấy ý kiến nông dân là sai. Mặt khác, chỉ lấy hơn 350 ý kiến của dân trong khi không có nông dân nào ký giấy uỷ quyền cả thì không thể đại diện cho 5.000 hộ dân bị thiệt hại đưa ra phán quyết nhận hỗ trợ hay khởi kiện Vedan được. “Trong khi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM lập hẳn một ban chỉ đạo thống kê thiệt hại thì Đồng Nai không thành lập mà giao cho sở Tài nguyên môi trường, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đi thống kê, nhưng đến nay cũng chưa có kết quả gì cụ thể trong khi thời hiệu khởi kiện đã hết là không chấp nhận được”, ông Lượng nói.

Theo ông Lượng, sau khi làm việc với tỉnh Đồng Nai, Trung ương hội Nông dân sẽ báo cáo vụ việc với ban Bí thư Trung ương Đảng. Hôm nay, 21.7, đoàn công tác của Trung ương hội Nông dân sẽ đến các xã nơi có nông dân bị thiệt hại vì Vedan để nắm tình hình và sau đó, đoàn sẽ có buổi làm việc chính thức với tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Nai.
Theo SGTT

1 nhận xét:

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!