7 tháng 10, 2010

Đại Sứ Hàng Việt Quy Tụ Tại Khu Vườn 40 Tỷ Của Sỹ Hoàng

Các diễn viên, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà ngoại giao là Đại sứ hàng Việt cùng chọn khu vườn 40 tỷ của nhà thiết kế Sỹ Hoàng với không gian tĩnh lặng đầy hoa và cây trái để bàn việc tuyên truyền, quảng bá và ủng hộ hàng Việt.

Trong không khí thân mật, ấm cúng tại ngôi nhà gỗ được thiết kế độc đáo, hôm 5/10, trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các đại sứ hàng Việt cho rằng Chính phủ nên phát động nhiều chương trình cụ thể hỗ trợ sản phẩm nội địa.

Nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân phát biểu, cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" của Bộ Chính trị tuy là một tín hiệu tích cực nhưng lại quá chung chung, vẫn còn thiếu các chương trình ủng hộ hàng nội một cách cụ thể, sinh động để đi vào lòng người tiêu dùng.

Còn Nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm đề xuất: "Việt Nam nên học Hàn Quốc đề ra nghị quyết, chiến lược ưu tiên thị phần cho hàng nội địa để kêu gọi nhân dân cả nước quan tâm ủng hộ".

đại sứ hàng Việt - NSƯT Kim Xuân
Nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân, thành viên câu lạc bộ Đại sứ hàng Việt phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Vũ Lê.

Theo nghệ sĩ Tạ Minh Tâm, ngoài tinh thần dân tộc, một số quốc gia xem việc tiêu thụ hàng nội địa là chính sách, thậm chí là luật (bất khả kháng), trong đó, người dân, doanh nghiệp và nhà nước cùng đồng lòng tham gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn chưa thấy được những quy định liên quan đến hàng nội địa.

Đạo diễn Đoàn Khoa chia sẻ nỗi băn khoăn tại buổi tọa đàm: "Tôi rất buồn khi nghe tin nhiều hàng Trung Quốc đã khoác áo made in Việt Nam tung hoành tại thị trường nội địa. Nhà nước có chính sách gì ngăn chặn việc này không?".

Đồng cảm với đạo diễn Đoàn Khoa, nhiều đại sứ hàng Việt tỏ ra bức xúc khi nhắc đến số liệu của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA khảo sát tại tỉnh Trà Vinh. Cụ thể, tại địa bàn tỉnh này, 95% hàng dệt may có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, có 50% hàng dệt may tại Trà Vinh là hàng Trung Quốc gắn nhãn mác Việt Nam. Khảo sát cho thấy, toàn bộ nguyên phụ liệu ngành dệt may đều nhập của Trung Quốc nên khi trừ các chi phí, doanh nghiệp dệt may chỉ lời 5%. Đây cũng là lý do doanh nghiệp dệt may quy mô nhỏ chết lần mòn.

đại sứ hàng Viêt - Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh nói về hàng Việt. Ảnh: Vũ Lê.

Mang đến buổi tọa đàm một cái nhìn sắc lạnh và tỉnh táo, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, người Việt Nam không nên buồn khi thấy hàng ngoại xuất hiện tràn lan, vì đây là xu thế tất yếu. Theo bà Ninh, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là cuộc chiến lạnh lùng. Để đứng vững tại chiến trường này, bản thân doanh nghiệp cần nỗ lực tìm tòi và phát huy sức mạnh phòng vệ của hàng nội địa.

"Hàng Việt Nam vẫn có thể tấn công hàng ngoại để giành lại thị phần của mình ngay tại sân nhà. Đừng chuyển sức ép lên người tiêu dùng, vì muốn bán được hàng thì sản phẩm phải có chất lượng cao", bà Ninh nói.

Nhà ngoại giao này hiến kế, quốc tế thường sử dụng chiêu thử rượu, bỏ tất cả các nhãn mác, thương hiệu đi để người tiêu dùng bình chọn. Việt Nam vẫn có thể tổ chức các cuộc thử sản phẩm tương tự để khách hàng tiếp cận hàng nội địa.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có những sách lược cụ thể để hỗ trợ và nâng bước cho hàng nội địa, ngoại trừ cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Bộ Chính trị. Chính vì thế, cuộc chiến giành lại thị phần của hàng Việt khá đơn điệu và không cân sức.

Bà Lan cho rằng, trong khuôn khổ hiệp hội, bản thân từng doanh nghiệp, ngành nghề cần bảo vệ thương hiệu và uy tín của mình bằng cách nâng cao chất lượng hàng hóa, tẩy chay hàng rởm. Tuy nhiên, ở tầm nhìn rộng hơn, Nhà nước cần phải chủ động trong tư thế người tiêu dùng hàng nội nhiệt tình và tỉnh táo nhất.

Vị chuyên gia kinh tế này lấy ví dụ, chi tiêu công nên tăng tỷ lệ thị phần cho hàng nội, tiết kiệm các khoản chi tiêu hàng ngoại. Ngoài ra, những chính trị gia, doanh nhân, nhà kinh tế cũng cần lăn xả vào cuộc chiến giành lại thị phần cho hàng nội địa bằng cách tuyên truyền và tìm hiểu những sản phẩm Việt Nam có chất lượng tốt để quảng bá cho người tiêu dùng.
Theo VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!