30 tháng 10, 2010

Dự Thảo Luật Bảo Vệ Quyền Lợi NTD: Xử Lý Nghiêm Quảng Cáo Sai

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) kiến nghị như vậy khi thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (dự kiến thông qua tại kỳ họp này), chiều 29-10.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Lệ Phi phát biểu . Ảnh: TTXVN

Người tiêu dùng luôn ở thế yếu

ĐB Bé cho hay, hiện có rất nhiều quảng cáo có nội dung sai sự thật, khiến người dân bức xúc. Có nhiều trường hợp do tin vào quảng cáo mà tiền mất tật mang. “Vậy ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp đó? Luật phải qui định rõ đơn vị quảng cáo phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo. Nếu quảng cáo sai sự thật, phải bị xử lý nghiêm”- ĐB Bé kiến nghị.

“Tình trạng nhập nhằng quảng cáo về sữa: Sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng…khiến người tiêu dùng không sao hiểu nổi, không biết lựa chọn sản phẩm thế nào. Khảo sát thị trường, có khoảng 40% sữa tươi tiệt trùng không phải sửa là tươi nguyên chất. Người tiêu dùng sử dụng mà không biết quảng cáo không đúng” - ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) lo ngại.

Để ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng để tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, qua hình thức cứu trợ người dân bị thiên tai… ĐB Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) cho rằng phải coi đây là một dạng vi phạm, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cần bổ sung quy định xử lý.

Nhấn mạnh đến vị trí yếu thế của người tiêu dùng, đó là không được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, dịch vụ, đôi khi ở vào thế buộc phải chấp nhận hàng hóa, dịch vụ đó, ĐB Kim Anh nêu ví dụ: “Điện lúc có lúc không, cách cung ứng điện hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng. Gây thiệt hại, đơn vị cấp điện phải bồi thường.

Thế nhưng, thực tế, nhiều hợp đồng điện, nước, người tiêu dùng không được đàm phán, phải chấp nhận các điều kiện do bên cung cấp đưa ra. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để người tiêu dùng là những đối tượng yếu thế được bảo vệ tốt hơn”.

Chính quyền cơ sở phải vào cuộc

Các ĐB đều nhất trí cao qui định Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nói về vai trò của Hội bảo vệ người tiêu dùng, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) kiến nghị: “Nhà nước cần có nguồn chi cho Hội, chính là mọi công dân đã đóng thuế cho Nhà nước”.

ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) nói thêm, phải làm rõ vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong việc xác định giá thực của hàng hóa, tránh người tiêu dùng bị thiệt hại vì ép giá.

“Nên khuyến khích, tạo điều kiện (pháp lý, kinh tế) để qui định các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khả thi. UBND các cấp cần chủ động hơn trong việc quản lý hoạt động thương mại trên địa bàn để để bảo vệ người tiêu dùng” - ĐB Điểu Điều (Bình Phước) kiến nghị.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhìn nhận, chúng ta cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đối với hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây tác hại đối với người tiêu dùng. Đây là phương pháp đã được nhiều nước áp dụng, không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng, mà còn nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng hàng hóa.

“Nhiều năm qua UBND xã, phường không làm tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng, để xảy ra buôn bán mất trật tự, mất vệ sinh tại các đô thị. Vì vậy phải quy định về việc nâng cao trách nhiệm xã phường trong vấn đề đó”- ĐB Khánh nói.
Nguyễn Tuấn (báo Tiền Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!