13 tháng 2, 2011

CEO Nguyễn Liên Phương Và Lý Thuyết Kinh Tế “Made In Vietnam”

Mô hình “Kinh tế Hình ảnh” là một sáng tạo hoàn toàn mới về lý thuyết kinh tế do một Doanh nhân Việt Nam - ông Nguyễn Liên Phương - CEO Công ty LP Việt Nam, Giám đốc Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam thiết lập.


Chúng tôi hy vọng cũng như Alvin Toffler - người đã sáng tạo nên lý thuyết về mô hình kinh tế hậu công nghiệp (kinh tế thông tin, kinh tế tri thức, được giới thiệu trong cuốn sách nổi tiếng Làn sóng thứ ba - The Third Wave). Lý thuyết về kinh tế tri thức đã giúp cho các nền kinh tế có một chỗ dựa cơ bản và tạo ra sự thay đổi lớn trong quản lý cũng như các giá trị kinh tế. Chúng tôi cũng mong muốn lý thuyết kinh tế này sẽ được khẳng định và trở thành một “làn sóng thứ tư” của sự phát triển kinh tế - xã hội. Chuyên mục Chat với CEO xin giới thiệu tới bạn đọc cuộc trò chuyện giữa phóng viên Doanh nhân thời đại với “cha đẻ” của một lý thuyết kinh tế “Made in Vietnam”.

Ông và cộng sự đã có 10 năm để nghiên cứu về Kinh tế hình ảnh, ông có thể giới thiệu sơ bộ về các phương pháp tiến hành?

Nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành thông qua các thực nghiện và khảo sát trực tiếp trên thị trường thế giới, bắt đầu từ cửa hàng bán lẻ sản phẩm Mỹ thuật trang trí (Art Decor) của LP Việt Nam tại Sydney - Australia năm 2001, chúng tôi quan sát hành vi mua hàng của người tiêu dùng, trao đổi với khách hàng để tìm hiểu nhu cầu cuả họ. Từ mặt hàng Mỹ thuật trang trí, chúng tôi nghiên cứu sang nhu cầu về ô tô, hàng trang trí nội thất, các sản phẩm thời trang và các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Từ thị trường Australia, chúng tôi mở rộng nghiên cứu, khảo sát sang các thị trường EU, Mỹ. Trung đông và các thị trường Châu Á. Hàng năm chúng tôi trực tiếp tham gia trưng bày sản phẩm tại 6 kỳ Hội chợ quốc tế lớn nhất thế giới về sản phẩm Home Decor và tham quan khảo sát tại hàng chục hội chợ quốc tế lớn khác. Từ thị trường hàng hóa, chúng tôi nghiên cứu khảo sát các mô hình kinh doanh hiện đại, sự chuyển động của các nền kinh tế và các xu hướng tiêu dùng tương lai trên toàn cầu. Trợ giúp cho chúng tôi về thông tin thị trường là các khách hàng và các đối tác của LP Việt Nam tại trên 60 quốc gia, bao gồm tất cả những quốc gia có thị trường phát triển nhất.

Ông khẳng định Kinh tế hình ảnh sẽ làm thay đổi quan niệm về kinh tế, những điểm nổi bật nào thể hiện sự thay đổi?

Có ba điểm chính:

Một là: Sự chuyển động của nền kinh tế toàn cầu trong Thế kỷ 21, đặc biệt của các nền kinh tế nổi lên trong Thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ 21: Trung Quốc, Singapore, các quốc gia vùng Vịnh: UAE, Arab Saudi, Qatar. Các quốc gia này đang nỗ lực tạo ra hiệu ứng hình ảnh hết sức ngoạn mục thu hút sự chú ý của cả thế giới, bằng cách đó họ tạo ra thị trường, thu hút đầu tư và thu nạp nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới.

Hai là: Sự giới hạn của canh tranh công nghệ và quản trị trên quy mô toàn cầu.

Ba là: Nhu cầu tự nhiên của con người hướng về cái đẹp khi các yêu cầu vật chất cụ thể được thỏa mãn.

Từ “Hình ảnh” mang khá nhiều nội hàm vậy Kinh tế hình ảnh mang những nội hàm nào thưa ông?

Kinh tế hình ảnh khẳng định cái Đẹp là tài sản.

Trong tác phẩm “The Fall of Advertising & The Rise of PR - Quảng cáo thoái vị PR lên ngôi”, hai cha con tác giả Alries và Laura Rises đã nói tới việc xây dựng hình ảnh bằng quan hệ với công chúng. Vậy sự khác biệt giữa PR và Kinh tế hình ảnh là gì?

Kinh tế hình ảnh khẳng định nhu cầu vươn tới cái đẹp trong bản chất tự nhiên của con người, hàng hóa và dịch vụ hiện đại phải hướng đến việc thỏa mãn nhu cầu ấy.

PR chỉ là một kênh hữu hiệu để tiếp thị và quảng bá sản phẩm và dịch vụ tới người tiêu dùng.

Kinh tế hình ảnh sẽ là bước phát triển tất yếu của kinh tế tri thức hay nó là một mô hình phát triển trong lòng kinh tế tri thức?

Kinh tế tri thức sẽ có giới hạn, từ những món hàng đại chúng sẽ tiến dần tới là những món hàng xa xỉ. Kinh tế Hình ảnh phát triển trên nền Kinh tế tri thức nhưng có bản chất tài sản không phải là tri trức, và từ là món hàng xa xỉ đang phát triển thành những món hàng đại chúng.

Tôi xin nói cụ thể hơn: nhờ sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong Thế kỷ 20 mà đại bộ phận người tiêu dùng toàn cầu được sở hữu rất nhiều tiện nghi công nghệ, nhưng sau thời kỳ bùng nổ và đại phổ cập, công nghệ sẽ dần tiến đến những giới hạn, sự đầu tư cho phát triển công nghệ mới sẽ trở nên vô cùng tốn kém và trong tương lai chỉ có những người giàu và siêu giàu mới có thể sở hữu các sản phẩm công nghệ siêu cao và công nghệ đặc biệt. Ngược lại cái đẹp: mốt, sự sành điệu trong Thế kỷ 20 chỉ là sở hữu của những người giàu và các ngôi sao, thì sang Thế kỷ 21 cái đẹp đã trở thành đại chúng, bây giờ mốt, sự sành điệu có mặt ở khắp nơi, có trong bất cứ phân khúc thị trường nào.

Alvin Toffler người đưa ra lý thuyết về Kinh tế tri thức và đặt nó là “làn sóng thứ ba” sau Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế công nghiệp. Ông có nghĩ Kinh tế hình ảnh sẽ được thừa nhận như “làn sóng thứ tư”?

Xét về bản chất tài sản, Kinh tế tri thức chỉ là giai đoạn phát triển cao hơn của Kinh tế công nghiệp, khi Kinh tế công nghiệp được tri thức hóa “đậm đặc” hơn. Càng ngày người ta càng nhận ra Kinh tế tri thức không phải là “làn sóng thứ ba” như Alvin Toffler khẳng định.

Kinh tế hình ảnh khẳng định cái đẹp là một loại tài sản khác biệt với các loại tài sản của Kinh tế nông nghiệp và Kinh tế công nghiệp. Kinh tế hình ảnh là xu thế tất yếu của xã hội loài người trong sự vận động đến điểm giao hòa giữa quy luật giá trị (của con người) với quy luật sinh tồn của tự nhiên.

Doanh nghiệp Việt Nam có tới 97% là doanh nghiệp nhỏ. Họ có thể và làm cách nào áp dụng "Mô hình Kinh tế hình ảnh", thưa ông?

Mô hình Kinh tế hình ảnh có thể áp dụng cho mọi quy mô doanh nghiệp, mọi xuất phát điểm, mọi vùng miền, mọi quốc gia, dựa trên tiềm năng và lợi thế hiện có.

Để áp dụng Mô hình Kinh tế hình ảnh phải có hai điều kiện:

Thứ nhất là phải nhận thức rõ thị trường Hội nhập của Thế kỷ 21 luôn thay đổi chóng mặt từng ngày và sự vận hành của nó tất yếu phải hướng tới phát triển bền vững, với nỗ lực bảo toàn những giá trị tự nhiên, nền kinh tế và các doanh nhân, doanh nghiệp phải lựa chọn theo xu hướng này.

Tôi lấy ví dụ, thay vì lựa chọn những cây, con đặc hữu, đặc sản của Việt Nam rồi phát triển chúng lên thành hình ảnh sống động, hấp dẫn, cuốn hút về những sản vật đặc sản tươi ngon và an toàn của Việt Nam cung cấp cho thế giới, Thì doanh nghiệp lại lựa chọn đầu tư mua công nghệ, xây nhà máy và sản xuất những chi tiết phụ tùng để cung ứng cho một chuỗi giá trị nào đó của một vài đại công ty nước ngoài. Làm như vậy chẳng những chúng ta không có hình ảnh gì, chỉ góp phần xây dựng hình ảnh cho các doanh nghiệp nước ngoài, mà còn là sự đầu tư đón rước rủi ro về kinh tế, góp phần gây ô nhiễm trầm trọng và lâu dài cho môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của Việt Nam.

Thứ hai, Mô hình kinh tế Hình ảnh phải là sách lược của quốc gia thì người dân và doanh nghiệp mới được hưởng lợi trọn vẹn giá trị của mô hình kinh tế này. Bởi vì đặc điểm của hình ảnh là hiệu ứng bùng nổ và lan tỏa, một vài cánh én chỉ báo hiệu mùa Xuân chứ khó làm nên hình ảnh của mùa Xuân. Hình ảnh ở tầm quốc gia là hình ảnh của đàn chim bay.

Giả thiết nếu chính phủ đồng ý lấy Kinh tế hình ảnh là một mô hình kinh tế và xây dựng một đề án quốc gia về nó, ông sẽ làm gì?

Có ai trông thấy hình ảnh đàn chim bay tự do trên bầu trời trong xanh mà trong lòng không rao rực. Tôi rất mong Kinh tế Hình ảnh sẽ là Mô hình kinh tế tương lai của Việt Nam, bởi vì chỉ có phát triển theo mô hình kinh tế này, Việt Nam mới có thể giải phóng hết tiềm năng và thế mạnh của mình, mới tận dụng và phát huy được những thành tựu kinh tế đã đạt được sau hơn 20 năm Đổi Mới, mới xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ, giàu bản sắc. Việt Nam đi theo Mô hình Kinh tế hình ảnh sẽ tiến tới phồn vinh trên chính đôi chân và tài trí của dân tộc mình.

Mô hình lý thưởng nhất cho Việt Nam là xây dựng một nền kinh tế Xanh. Trong khu vực và trên thế giới, không có nhiều quốc gia có đủ điều kiện để xây dựng một nền kinh tế Xanh “có tầm cỡ”. Với một dải non sông gấm vóc, có vị trí địa lý hết sức đắc địa, nằm ở trung tâm Châu Á, một châu lục được đánh giá là đang và sẽ phát triển năng động nhất thế giới. Cùng với truyền thống văn hóa lâu đời, có bản sắc riêng là điều kiện thiên nhiên tuyệt vời, có bờ biển dài với nhiều ánh nắng, có nhiều vịnh, bãi biển và đảo tuyệt đẹp, nơi nào xa biển thì có núi rừng, hang động, sông nước, rất phù hợp cho phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng. Chúng ta có vùng khí hậu đặc trưng nhiệt đới và cận ôn đới vì thế sản vật rất đa dạng, phong phú.. Nền nông nghiệp đang phát triển rất ấn tượng với nhiều sản phẩm đứng trong Top Five thế giới. Nhiều sản phẩm công nghiệp cũng đạt đến Top Five hoặc Top Ten như da giầy, may mặc, sản phẩm trang trí nội thất...Chúng ta có nền chính trị ổn định, xã hội thân thiện, thuần nhất và người dân ôn hòa. Đây là những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được. Nếu chúng ta biết nâng những tiềm năng và thế mạnh đó lên với hình ảnh, thương hiệu mang giá trị đặc sắc riêng của Việt Nam thật sống động, thật hấp dẫn, quyến rũ thì hiệu quả của nền kinh tế sẽ rất to lớn. Đó chính là con đường đi đến phồn vinh, hạnh phúc vững bền cho đất nước, cho các doanh nghiệp Việt và cho người dân Việt Nam.

LP Việt Nam có kế hoạch xây dựng một Học viện hình ảnh, đây sẽ là nơi góp phần đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo hình ảnh chất lượng cao cung cấp cho nền kinh tế. Đồng thời Hoc viện cũng sẽ trực tiếp làm dịch vụ sáng tạo hình ảnh cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Nếu mọi việc thuân lợi, Học viện Hình ảnh LP Việt Nam sẽ bắt đầu hoạt động từ 2012.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện.
Theo Doanh nhân và Thời đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!