24 tháng 2, 2011

Hàng Trung Quốc “Tấn Công” Chợ Nông Thôn

Chợ nông thôn tràn ngập hàng Trung Quốc, hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATVSTP. Người dân mong muốn có nhiều sản phẩm hàng Việt có chất lượng để lựa chọn. Nhà sản xuất “nội” mong bán được nhiều hàng ở nông thôn. Vậy vì sao cung - cầu vẫn chưa thể gặp nhau?

Hàng Trung Quốc lấn át hàng nội

Chợ Sấu (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội), một ngôi chợ chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 30km và là một ngôi chợ hiếm hoi tại các huyện ngoại thành họp liên tục đủ 30 ngày. Nhìn những quầy hàng dày đặc, san sát nhau với lượng khách khá đông, chứng tỏ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương cũng khá cao. Tuy nhiên, những mặt hàng bày bán tại đây lại chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATVSTP.

Hàng hóa Trung Quốc áp đảo tại chợ Sấu (Ảnh: M.N).

Sản phẩm không có nguồn gốc, cả người bán và người mua không biết gọi tên là gì nhưng vẫn được bày bán công khai tại chợ (Ảnh: M.N).

Tăm cay, sản phẩm từ Trung Quốc được bày bán trong chợ Sấu (Ảnh: M.N).

Qua khảo sát, mặt hàng chủ yếu tại đây là quần áo, lương thực thực phẩm, đồ gia dụng… những mặt hàng thiết yếu với người dân nông thôn. Vấn đề chất lượng hàng hóa cũng như ATVSTP tại chợ dường như bị thả nổi. Theo tiết lộ của một tiểu thương bán quần áo, chị thường nhập hàng từ Trung Quốc về, bởi giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú, hợp với túi tiền của người dân nông thôn.

Tuy nhiên, tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng địa phương, nhiều người được hỏi cho rằng, họ rất muốn mua những sản phẩm chính hãng, có chất lượng từ các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất, nhưng không có để mua. Chị Huyền, một người dân địa phương, cho biết: “Nhiều người cho rằng người dân nông thôn chúng tôi chỉ thích mua hàng giá rẻ mà không quan tâm đến chất lượng. Suy nghĩ đó hiện đã lỗi thời. Không chỉ tôi mà nhiều người dân ở đây rất muốn mua những sản phẩm trong nước từ những nhà sản xuất uy tín, nhưng xem ra thật khó…”.

Cũng tại chợ Sấu, nhiều sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, không đảm bảo ATVSTP cũng được bày bán tràn lan. Thậm chí có những sản phẩm cả người bán và người mua không biết gọi tên là gì, đó là loại sản phẩm giống như nem rán của Việt Nam nhưng khi ăn lại có vị cay. Ngoài sản phẩm này, còn có loại sản phẩm khác được gọi là tăm cay cũng có xuất xứ từ Trung Quốc được nhiều em nhỏ rất thích.

Đề cập đến vấn đề ATVSTP, ông Phùng Như Hồng, Trưởng Ban quản lý chợ Sấu, cho biết: Mỗi năm cơ quan liên ngành của huyện về kiểm tra 2 lần nhưng chưa phát hiện sản phẩm không đảm bảo ATVSTP. Trường hợp sản phẩm tăm cay như PV phản ánh, ông Hồng cho biết chưa kiểm tra, nên chưa biết (!?).

Thiếu mạng lưới bán lẻ thường xuyên, liên tục

Nhu cầu của người dân nông thôn là mong muốn có nhiều sản phẩm chất lượng từ những nhà sản xuất trong nước để lựa chọn, tiêu dùng. Điều này được thể hiện rõ qua những đợt đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về nông thôn đã được người dân đón nhận. Tuy nhiên, chỉ sau đợt bán hàng với thời gian ngắn nhất định, khi nhà sản xuất đã gây dựng được niềm tin với người dân, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm mà mình đã từng sử dụng nhưng không mua được, vì sau mỗi đợt bán hàng là nhà sản xuất lại “rút lui”.

Rõ ràng, nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn là có, nhưng nguồn cung không đáp ứng. Điều tưởng chừng như mâu thuẫn ấy lại đang tồn tại từ nhiều năm nay và hiện vẫn chưa có lời giải. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, hiện nay là các nhà sản xuất phải làm sao thiết lập được mạng lưới bán lẻ thường xuyên, liên tục tại những vùng nông thôn.

Cũng theo ông Phú, để làm được điều này, một mình các nhà sản xuất không thể làm nổi, mà cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Công thương. Ông Phú cho rằng nên khôi phục hệ thống Hợp tác xã mua bán trước đây, nhưng dưới hình thức xã hội hóa. Nhà sản xuất thông qua hệ thống này có thể đào tạo về nghiệp vụ cho nhân viên bán hàng, điều tra nhu cầu của người dân địa phương, phối hợp với người dân địa phương tạo thành nơi cung cấp nguyên liệu tại chỗ để có thể tận dụng các chuyến xe vận chuyển hàng về và hàng đi.

Bên cạnh đó, để tạo lập vốn cũng như khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ cho DN như: ưu tiên vay vốn, cho phép các DN tạo lập quỹ xúc tiến thương mại (quỹ khuyến thương), có như vậy các DN mới chủ động được kinh phí để xây dựng mạng lưới bán hàng tại các vùng nông thôn…
Minh Nhật (báo Lao động)

2 nhận xét:

  1. Lâu rùi mới có dịp ghé thăm site của bạn:) có nhiều đổi thay, mong bạn phát huy hơn nữa!
    Mình mong muốn được trao đổi Logo với trang của bạn. Bạn để lại link logo của bạn bên trang của mình để mình add vì tìm ko thấy.
    Của mình đây: http://arthai.blogspot.com

    Trả lờiXóa

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!