12 tháng 3, 2011

Từ Cà Phê Buôn Ma Thuột Đến Thương Hiệu Cà Phê Việt

Là nước đứng thứ 2 thế giới về lượng xuất khẩu cà phê nhưng việc phát triển thương hiệu cà phê của nước ta đến nay vẫn chưa tương xứng với diện tích, sản lượng, thậm chí việc quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam dường như cũng chưa được chú ý tới.

Người dân TP Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê.
Trong những năm qua, xuất khẩu cà phê nước ta luôn bị ép giá vì sản phẩm cà phê thiếu chứng chỉ và chỉ dẫn địa lý. Nắm bắt được yêu cầu đó, năm 2005, Cục Sở hữu trí tuệ (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận và cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) cho sản phẩm cà phê nhân Robusta của Đắk Lắk. Thế nhưng, từ đó đến nay nó vẫn nằm trên giấy và chưa giúp ích được nhiều trong việc tạo dựng thương hiệu cho cà phê Buôn Ma Thuột cũng như cà phê Việt.

Hơn 100 năm trước đây, những cây cà phê đầu tiên cắm rễ trên cao nguyên Buôn Ma Thuột đã mở đầu lịch sử phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Đắk Lắk. Cà phê Buôn Ma Thuột hiện nay đã chiếm 50% sản lượng cà phê cả nước và được xuất khẩu ra 56 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Điều kiện tự nhiên đặc thù và truyền thống, kỹ năng của con người vùng đất này đã tạo nên chất lượng riêng biệt và danh tiếng cho cà phê Buôn Ma Thuột. Vì thế, tháng 10/2005, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân Robusta. Nhưng mãi đến năm 2008, tỉnh Đắk Lắk mới đăng ký tham gia thực hiện dự án Hỗ trợ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cà phê Buôn Ma Thuột.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk thì vai trò của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột là quyết định sự thành bại của thương hiệu. Nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc xác lập CDĐL cho cà phê Buôn Ma Thuột nên không tham gia Hiệp hội.

Có doanh nghiệp cho rằng, chỉ cần sản xuất cà phê theo các chứng chỉ quốc tế 4C, UTZ Certified… cũng có thể bán giá cao, khỏi cần CDĐL Buôn Ma Thuột. Trong khi đó trên thị trường, việc lạm dụng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đang diễn ra tràn lan, nhất là trong lĩnh vực cà phê rang xay.

Ông Đoàn Thiệu Nhạn (Chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam) cho rằng: Việc phát triển thương hiệu cà phê của nước ta đến nay vẫn chưa tương xứng với diện tích, sản lượng, thậm chí việc quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam dường như cũng chưa được chú ý tới. Mãi cho đến những năm gần đây, một số doanh nghiệp như: Vina cà phê, Nestlé cà phê, cà phê Trung Nguyên... mới bắt đầu quảng bá thương hiệu một cách tích cực trên thị trường thế giới.

Theo ông Nguyễn Trần Quang (cán bộ nghiên cứu thị trường của Công ty Cà phê Trung Nguyên), việc xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam là rất cần thiết và đây cũng là một cuộc cạnh tranh hết sức gay gắt. Nguyên nhân thương hiệu cà phê Việt Nam còn yếu, chưa phát triển được, có một phần không nhỏ là do kỹ thuật chế biến và phương pháp đánh giá chất lượng còn kém. Tuy là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê trên thế giới, nhưng giá trị xuất khẩu của cà phê Việt Nam lại thấp.

Xu hướng chung của thị trường là muốn có loại cà phê có các đặc trưng chất lượng gốc ổn định, thuận tiện cho việc rang xay và phối trộn sản phẩm. Ngoài ra, vấn đề sản xuất cà phê đặc biệt (loại cà phê có thể nhận biết rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc và các quá trình sản xuất, chế biến) hiện đang được thị trường thế giới rất quan tâm. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam...

Trong cuộc hội thảo về xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam tại Buôn Ma Thuột, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng tỏ ra bức xúc: "Phải làm sao đó mà mỗi khi nhắc đến cà phê Việt Nam là mọi người nghĩ ngay đến cà phê Buôn Ma Thuột"! Bao giờ cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt nói chung khẳng định thương hiệu khắp toàn cầu, đó nỗi trăn trở chung của ngành cà phê nước ta.
Báo Công An Nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!