4 tháng 5, 2011

Có Bao Nhiêu Sữa Tươi Trong Hộp "Sữa Tươi"?

Sự lập lờ thông tin đi kèm với các chiến dịch quảng cáo truyền thông rầm rộ thời gian qua rằng sữa tươi có rất nhiều chất tốt cho sức khoẻ trẻ em của các nhà sản xuất đã khiến người tiêu dùng có tâm lý tin tưởng, coi đây là mặt hàng tốt hơn cả và là sự lựa chọn hàng đầu trong các sản phẩm sữa nước.
Mô hình quá trình chế biến sữa tươi (nguồn VEF)
Tổng nguồn cung sữa bò tươi trong nước mới đáp ứng khoảng 22% tổng sản lượng sữa nước mà các doanh nghiệp cung ứng ra thị trường nhưng gần như tuyệt đối sản phẩm sữa nước hiện được nhà sản xuất quảng cáo là sữa tươi.

Nhập nhèm tên gọi, lập lờ thông tin khiến người tiêu dùng bình thường khó phân biệt và nhầm lẫn trong lựa chọn đã đành, góp thêm vào đó là việc né tránh công bố tỷ lệ phần trăm các nguyên liệu thành phần của nhà sản xuất khiến ngay cả những người am hiểu trong lĩnh vực tiêu dùng cũng không biết đâu mà lần.

Có quan điểm chỉ tiêu dùng những thực phẩm đã được thẩm định là tốt, bổ, còn những loại ăn ngon miệng mà biết không tốt cho sức khoẻ thì nhất định không dùng, vậy mà chị Thái Mai - phóng viên một tờ báo tại Hà Nội vừa qua cũng phải rút kinh nghiệm vì sự lựa chọn cảm tính của mình.

Chuyện bắt đầu từ vài tuần trước, khi ghé qua một cửa hàng sữa gần nhà, thấy có loại đóng túi nhỏ tiện dụng, bên ngoài ghi là "sữa tiệt trùng có đường" của một hãng tên tuổi trong nước, chị làm luôn vài bịch. Cứ đinh ninh đây là sữa tươi uống liền, ngờ đâu về nhà soi kỹ lại thành phần mới thấy có cả nguyên liệu là sữa bột.

Là người có kiến thức tiêu dùng sản phẩm sữa nên chị tỏ ra khá bức xúc: "Nếu có thành phần là sữa bột thì nhà sản xuất phải ghi nhãn là "sữa hoàn nguyên". Đằng này chỉ ghi là "tiệt trùng" khiến mình có cảm nhận là đang mua sữa tươi. Nếu biết trước thế này đã không mất tiền oan".

Hay bác Trần Thị Nguyên, một người nội trợ 58 tuổi ở phố Xã Đàn, quận Đống Đa kể, một lần mua sữa ở đại lý lớn trên đường Tôn Đức Thắng, nhân tiện bác thắc mắc với nhân viên bán hàng rằng "không hiểu thế nào là sữa tươi tiệt trùng, sữa thanh trùng hay sữa hoàn nguyên?" thì thật thất vọng khi cô nhân viên trả lời gọn lỏn: "cháu không biết!".

"Người bán sản phẩm cũng còn nói vậy thì người mua biết trông cậy vào đâu?" - bác than vãn.

Tại một buổi toạ đàm về thị trường sữa nước hồi năm ngoái, một đại diện đến từ Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng còn đứng lên hỏi thẳng các nhà sản xuất rằng quy định ghi nhãn hàng hoá yêu cầu nhà sản xuất phải ghi rõ tỷ lệ phần trăm của các thành phần trong sản phẩm, tại sao trên một số loại sữa nước, nhà sản xuất lại né tránh việc này, khiến người tiêu dùng không phân biệt được sản phẩm là "sữa tươi" hay "có phần trăm sữa tươi", dẫn đến nhầm lẫn, ngộ nhận?

Câu trả lời ngay sau đó của Giám đốc điều hành một doanh nghiệp sữa lớn ở Việt Nam vin vào thứ nhất, diện tích bao bì trên hộp/túi sữa rất nhỏ, không thể ghi toàn bộ tất cả những gì muốn ghi. Bắt buộc nhà sản xuất chỉ ghi những gì cần thiết nhất, bổ ích nhất, có giá trị nhất và đơn giản nhất (?!); thứ hai thông thường bao bì sản phẩm được nhà sản xuất đặt làm từ nước ngoài trước đó 3-4 tháng, mà nguồn cung nguyên liệu sữa tươi trong nước phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ nên việc ghi rõ tỷ lệ phần trăm thành phần cố định lên sản phẩm là bất khả thi - rõ ràng sự là bao biện, thiếu thuyết phục.

Bà Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban Bảo vệ Người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương trong hội thảo Hiện trạng sữa với người tiêu dùng VN, tổ chức hôm 27/4 tại Hà Nội vẫn liệt kê khá nhiều vấn đề nổi cộm trong sản xuất và kinh doanh sữa trên thị trường.

Bao gồm quảng cáo trong sữa dễ gây nhầm lẫn với lý do bổ sung vi chất, vi lượng vào sữa, làm đội giá sản phẩm nhưng thực chất có các vi chất, vi lượng này hay không, tác dụng như quảng cáo hay không thì ngay cả các cơ quan chức năng cũng bó tay; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất kinh doanh sữa cũng rất đáng lo ngại bởi khi uống rất khó biết sản phẩm có đảm bảo an toàn, vệ sinh hay không. Trong khi khâu sản xuất sữa từ sức khoẻ của con bò, chăn nuôi đến chế biến, phân phối tách rời, thủ công, khó kiểm soát.

Đặc biệt, thành phần ghi trên bao bì sữa tươi còn mập mờ, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho đa số người tiêu dùng. "Nguồn cung sữa tươi trong nước chỉ chiếm khoảng 20% nhu cầu thị trường. Phần lớn trong số này được đưa vào sản xuất sữa tươi. Chỉ có mỗi Công ty Vinamilk có dây chuyền sản xuất từ sữa tươi ra sữa bột nhưng số lượng không đáng kể. Mặc dù vậy sữa tươi vẫn tràn ngập thị trường" - bà Nga nói.

Còn báo cáo quy hoạch sữa của Bộ Công Thương năm 2010 lại chỉ ra, tổng sản lượng sữa bò cả nước từ năm 2008 đến nay hầu như chỉ đáp ứng khoảng 60% tổng sản lượng sữa nước được sản xuất bởi các doanh nghiệp. Đơn cử, năm 2010, tổng sản lượng sữa bò cả nước ước đạt khoảng 276.000 lít nhưng tổng sản lượng sữa nước được sản xuất có thể lên tới 479.000 lít.

Như vậy hiểu một cách máy móc, 203.000 lít sữa nước (chiếm 42%) được sản xuất trong năm 2010 không có nguồn từ sữa bò tươi. Để khoả lấp sự thiếu hụt này, doanh nghiệp tất yếu phải sử dụng một lượng không nhỏ sữa bột khô để làm nguyên liệu chính trong sản xuất sữa nước. Mà theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành, sản phẩm sữa nước được chế biến từ việc pha trộn giữa nguyên liệu sữa bột với chất béo và sữa các loại khác thì phải gọi là sữa hoàn nguyên.

Thế nhưng, theo bà Vũ Thị Bạch Nga, trong nhiều lần khảo sát thị trường của mình, bà chưa bắt gặp được một sản phẩm của một nhà sản xuất nào có đề mác là "sữa hoàn nguyên". Ngược lại, lâu nay, từ chủng loại, nhãn mác sản phẩm đến các chiến dịch truyền thông quảng bá, PR, doanh nghiệp đều nhắm vào hai chữ "sữa tươi" để dỗ ngọt người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia phân tích, hiện tượng cố tình ghi nhãn mác mập mờ của một số doanh nghiệp chẳng qua là cách không tự đi làm khó mình. Ví dụ việc ghi thành phần chỉ chung chung là nước, sữa tươi, sữa bột, đường... sẽ dễ dàng và có lợi hơn nhiều việc ghi cụ thể tỷ lệ phần trăm. Bởi 1% với 10% sữa tươi là rất khác nhau.

Hơn nữa, sự lập lờ thông tin đi kèm với các chiến dịch quảng cáo truyền thông rầm rộ thời gian qua rằng sữa tươi có rất nhiều chất tốt cho sức khoẻ trẻ em của các nhà sản xuất đã khiến người tiêu dùng có tâm lý tin tưởng, coi đây là mặt hàng tốt hơn cả và là sự lựa chọn hàng đầu trong các sản phẩm sữa nước.

Theo giới chuyên môn, thực tế chưa hề có nghiên cứu nào khẳng định sữa hoàn nguyên không tốt bằng sữa tươi. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, sữa hoàn nguyên còn có độ đạm, độ béo cao hơn hẳn sữa tươi. Đó cũng là một lý do mà lãnh đạo một doanh nghiệp sữa ở Hà Nội kiến nghị, cần phải xét xét, đánh giá sự tương đồng nhau về mặt cung cấp chất dinh dưỡng giữa sữa tươi tiệt trùng và sữa hoàn nguyên tiệt trùng.

Nhưng khoan bàn đến việc sữa nào tốt hơn, vấn đề cốt yếu hiện nay, người tiêu dùng chỉ mong có được các thông tin, chỉ dẫn rõ ràng, minh bạch, chính xác và đầy đủ để tự họ, bằng nhu cầu và khả năng của mình có thể chọn được những sản phẩm phù hợp.

"Thông tin trong lĩnh vực sữa nước hiện nay rất nhiễu và thiếu. Nhiều nơi cứ hô hào rằng hãy là người tiêu dùng thông minh, khôn ngoan, nhưng thông mình và khôn ngoan ở đâu khi chúng ta không có đủ thông tin? Nếu nhà nước chưa nâng cao hơn nữa vai trò quản lý, giám sát của mình thì không biết đến bao giờ người tiêu dùng mới hết thiệt thòi và người chăn nuôi mới hết bị ép giá, bị lấy ra làm bình phong để doanh nghiệp đứng lên kinh doanh "sữa tươi" từ nguyên liệu "sữa bột" - bà Lê Thị Phi Vân - Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ NN&PTNT từng chia sẻ.

Tăng trưởng doanh thu trung bình trên thị trường sữa nói chung ở nước ta được đánh giá rất tốt, ở mức 18%/năm. Hiện tại VN có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất sữa (tăng gấp 3 lần so với cách đây 10 năm) với gần 300 nhãn mác, chủng loại khác nhau.

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sữa nói chung sẽ còn tiếp tục gia tăng khi mức tiêu thụ sữa trung bình trên đầu người ở VN vẫn còn đứng ở mức thấp, hơn 15,3 lít sữa/người/năm, so với mức trung bình của thế giới là 103 lít/người/năm. Hiện mới chỉ có trên 10% người tiêu dùng, chủ yếu ở các đô thị lớn được sử dụng sữa thường xuyên. Vùng sâu xa, nông thôn ít có điều kiện tiếp cận các sản phẩm sữa chủ yếu do giá thành tương đối cao.

(Bà Vũ Thị Bạch Nga)

Tiêu chuẩn Việt Nam

Sữa tươi thanh trùng: Sản phẩm được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, đã qua quá trình xử lý ở nhiệt độ cao trong thời gian ngắn (ít nhất là 71,7 độ C trong 15 giây) hoặc sử dụng sự kết hợp khác nhau về thời gian và nhiệt độ để nhận được hiệu quả tương đương (TCVN 5860 :2007).

Sữa tươi tiệt trùng: Sản phẩm được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, có hoặc không bổ sung phụ gia và qua xử lý ở nhiệt độ cao. Để chuẩn hoá nguyên liệu, cho phép bổ sung sữa bột và/hoặc chất béo sữa nhưng không quá 1% tính theo khối lượng của sữa tươi nguyên liệu (TCVN 7028: 2002)

Sữa hoàn nguyên tiệt trùng: Sản phẩm sữa được chế biến bằng cách pha trộn từ nguyên liệu sữa bột và chất béo sữa các loại, nước, có hoặc không bổ sung phụ liệu, qua xử lý nhiệt độ cao (TCVN 7029 : 2002)
Nguồn: VEF

1 nhận xét:

  1. Đa số sữa tươi hiện trên thị trường khoảng 30% sữa tươi , có bên TH Milk mới ra là nguyên chất do chủ động dầu tư nông trại bò ở Nghệ An

    Trả lờiXóa

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!