Ảnh: Internet
Chinh phục được thị trường Việt Nam thì trong tương lai họ sẽ có một thị phần không nhỏ của cả thế giới. Nếu giá trị thặng dư người Việt làm ra khi đó “chảy” vào túi nước ngoài thì cũng có nghĩa là chúng ta trở thành những người làm thuê gián tiếp hoặc trực tiếp, lệ thuộc vào ngoại quốc. Nhưng phải làm sao để “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” không chỉ là lời hô hào kêu gọi suông “ỷ lại” vào tinh thần dân tộc của người tiêu dùng?
Với trăn trở về điều đó, chúng ta hãy thử cùng bàn về một triết lý kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc làm chủ thị trường trong nước.
Nghĩ về hàng hóa của 3 con rồng châu Á
Trước hết, hãy nói đến Nhật Bản. Những từ “Made in Japan” khiến người ta nghĩ đến ngay những món hàng tinh tế được chăm chút tỉ mỉ đến cả gói giấy bọc ngoài. Sự tinh tế đó dường như không chỉ là chuyện kinh doanh mà còn là nghệ thuật, là niềm vui hoan hỷ của cả người bán lẫn người mua.
Hàn Quốc cũng đã trở thành một thương hiệu quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở châu Á. Công bằng mà nói, hàng hóa Hàn Quốc không hẳn đã xuất sắc vượt trội hàng hóa các quốc gia khác, ngoại trừ một số thế mạnh của họ. Nhưng “Làn sóng Hàn Quốc” đã đi trước, âm thầm mở tung cửa vào Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Đài Loan, Philippines…
Những bộ phim truyền hình Hàn Quốc “nhồi” vào tiềm thức người bản địa hình ảnh đẹp, trau chuốt, lãng mạn, ủy mị day dứt đặc trưng Hàn Quốc. Sống những giây phút Hàn Quốc, khóc cười cùng người Hàn Quốc, vui buồn cùng chuyện tình Hàn Quốc từ bữa ăn đến giấc ngủ. Khán giả bản địa tự khi nào đã quen với việc dùng và tin vào hàng Hàn Quốc, cũng như xem phim Hàn vậy.
Hãnh diện gia nhập kinh tế Đông Bắc Á là Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập khắp nơi, đánh bại cả những đối thủ mạnh. Ấn tượng nhất là giá rẻ đến lạ lùng. Vì giá rẻ mà hàng thì cũng tạm sử dụng được, nhạy bén đáp ứng những nhu cầu nhỏ nhặt nên bất chấp vụ việc sữa melamine hay hóa chất độc, hàng Trung Quốc vẫn lôi kéo khách hàng. “Hàng Tàu” ào ạt chiếm lĩnh thị trường thế giới, đặc biệt ở những quốc gia thu nhập thấp.
Lẽ dĩ nhiên là còn rất nhiều khía cạnh khác làm nên thành công của hàng hóa Nhật, Hàn, Trung. Nhưng ba câu chuyện trên phản ánh điểm nổi bật trong chiến lược kinh doanh của 3 con rồng châu Á. Với Nhật Bản, đó là chất lượng. Với Hàn Quốc, là nghệ thuật quảng cáo và tuyên truyền văn hóa. Với Trung Quốc, điểm mạnh là giá cả. Những điểm mạnh này rất phù hợp với điều kiện của từng nước trong cuộc đọ sức cạnh tranh với hàng hóa các nước khác ngay tại “đất khách”.
Chúng ta có điểm mạnh của mình ngay trên đất nước ta không? Câu trả lời là “Tất nhiên có”. Văn hóa, giá trị, con người, tình đồng bào Việt… thì không ai hiểu rõ hơn là chính người Việt Nam. Đất nước Việt Nam lại là của người Việt Nam, rất sẵn yếu tố nhân lực với mọi mặt thuận lợi nhất. Vậy con người ở đây là yếu tố chủ đạo thiết thực và khả thi nhất cho một triết lý kinh doanh Việt Nam.
Chinh phục trái tim khách hàng Việt: bắt đầu từ con người
Trong cạnh tranh, lẽ tất nhiên là phải nâng cao sức mạnh của tất cả các yếu tố cạnh tranh. Nhưng không phải cái gì chúng ta cũng có thể vượt lên được ngay. Doanh nghiệp phải chấp nhận tạm thời còn thua đối thủ ở những yếu điểm để tập trung tiềm lực vào thế mạnh sở trường thu hút khách hàng. Một thị phần nhất định có thể còn khiêm tốn, nhưng ổn định và trung thành, là sự đảm bảo chắc chắn để doanh nghiệp có điều kiện nâng cao dần những mặt yếu khác trong sản phẩm cạnh tranh của mình để đưa đến thắng lợi hoàn tất.
Đem hàng hóa Việt Nam ra cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài, chúng ta dễ thấy một số yếu điểm nói chung.
Với công nghệ còn hạn chế, khả năng đầu tư và trình độ nhân lực cũng khiêm tốn, không thể đòi hỏi chất lượng, quy mô, giá cả hàng Việt Nam có thể ngang hàng với hàng hóa nước ngoài được ngay. Đồng thời, khó có thể thực hiện chiến lược tuyên truyền quảng cáo thành công trên diện rộng một cách xuất sắc như Hàn Quốc. Không thể có được giá cả rẻ mạt như hàng hóa Trung Quốc. Tập trung cải tiến mẫu mã, bao bì, thiết kế mỹ thuật… cũng không dễ dàng.
Rõ ràng những yếu tố trên đòi hỏi đầu tư rất lớn trong khi đó không đảm bảo sẽ thắng đối thủ nước ngoài ngay tại thị trường trong nước vì tương quan có phần chênh lệch. Vậy muốn giữ được khách hàng và tạo sự tin tưởng của khách hàng, thì chỉ còn một yếu tố: thái độ phục vụ và sự tận tâm chu đáo.
May mắn thay, đây lại là yếu tố chúng ta có thể chủ động được, làm chủ được, chinh phục được. Vì là người Việt Nam nên doanh nghiệp nước ta lẽ tất nhiên phải thấu hiểu người Việt hơn ai hết.
Một số thực tế đã minh họa rõ hơn cho điều đó. Khách hàng Việt Nam, nhất là người lao động, có tâm lý quen hàng, thương hiệu, cửa hàng… Nếu giữ được khách hàng, làm cho khách hài lòng, thì nhất định khách sẽ trung thành với sản phẩm, thương hiệu, cửa hàng…
Đầu tư cho chất lượng, giá cả, hay quảng cáo thì rất cao. Nhưng nâng lương nhân viên bán hàng với điều kiện người bán phải thực hiện nghiêm túc và nhiệt tình với những huấn luyện bán hàng của doanh nghiệp… thì lại không cần nhiều chi phí. Ngược lại, một nhân viên bán hàng lễ phép, vui vẻ, khéo nói có thể thu hút và giữ được rất nhiều khách hàng, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp một cách bền vững.
Một khi khách hàng không còn e ngại bỏ tiền ra để mua hàng bởi vì họ được tôn trọng, đảm bảo hậu mãi, vui vẻ, yên tâm thì nhất định sẽ quay lại lần nữa và đồng hành cùng doanh nghiệp với những sản phẩm mới sau này.
Đó là những điều chắc chắn không cần nói ra nhiều thì ai cũng biết. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt và ý thức được yếu tố này là chìa khóa thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa chưa? Có lẽ là chưa. Bởi bằng chứng là đa số biểu kiến nhân viên bán hàng ở Việt Nam rất ít cười. Nụ cười phá vỡ mọi khoảng cách, lại “không mất tiền mua”. Việc “đầu tư” nụ cười, lời ăn tiếng nói… quả là hiệu quả.
Khách hàng được nụ cười, người bán khuyến khích tìm hiểu cân nhắc kỹ món hàng có giá cả hợp lý tương xứng với chất lượng, thì sẽ không hối tiếc đồng tiền mình bỏ ra dù sau đó có điều không như ý. Thậm chí, khách hàng sẽ tận tình góp ý thêm để doanh nghiệp khắc phục khiếm khuyết của sản phẩm nếu doanh nghiệp có cơ chế khuyến khích khách hàng có ý kiến phản hồi.
Rất nhiều nhân viên bán hàng Việt Nam còn bị than phiền là thiếu phép lịch sự. Tôi từng đưa mẹ già 68 tuổi đi mua sắm, thấy một số cô bán hàng ở hệ thống siêu thị trả lời bà cụ với những câu nói không có chủ ngữ và vị ngữ. Sống ở nước ngoài chịu nhiều phân biệt đối xử mà khi đi mua sắm tôi lại không thấy ngài ngại, sợ sợ như khi về thăm nhà ở Việt Nam.
Nhân viên bán hàng Việt Nam đã biết tập nói chữ “Cám ơn” khi nhận tiền của khách, nhưng vì hai chữ “Cám ơn” đó vô hồn, hình thức và giả tạo, có khi còn phản cảm hơn là không nói. Trong tiếng Việt, nói “Cám ơn” vậy thôi, còn với người nước ngoài thì hoàn toàn khác khi nói với người Việt: “Em cám ơn anh/chị nhé”, “Cháu cám ơn bác ạ”. Và tuy nói “Cám ơn” nhưng lại chưa biết tiễn khách ra tận cửa để chào khách: “Lần sau anh/chị ghé thăm cửa hàng em nhé”, “Chúc anh/chị vui vẻ, có gì trục trặc xin cứ gọi cho em hoặc bộ phận bảo hành của công ty em”…
Văn hoá phục vụ tận tâm: cách đầu tư cạnh tranh hiệu quả
Những ý tưởng sau đây không phải là mới, nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam thực hiện mạnh mẽ hơn, thì doanh số sẽ thành công hơn rất nhiều.
Trả lương cao cho nhân viên, nhưng vì thế cũng nghiêm khắc cho thôi việc ngay nếu nhân viên không tuân theo những yêu cầu về cung cách phục vụ. Đây là cách lôi cuốn khách hàng về phía mình. Ngoài lương cố định, doanh nghiệp cho nhân viên hưởng thêm phần % lợi nhuận bán hàng khi vượt định mức.
Chú ý lời ăn tiếng nói của nhân viên một cách tối đa. Đặc biệt lưu ý thêm về tâm lý và văn hóa người Việt chứ không thể rập khuôn bắt chước nước ngoài.
Chăm sóc khách hàng để giữ khách, mở rộng bành trướng thị trường: giả sử thêm 10% chi phí dành cho 1% sản phẩm gặp trục trặc phải bảo hành, sẽ tạo được 100% uy tín cho 99% sản phẩm còn lại.
Đó cũng là cách mà nhiều công ty Hàn Quốc đã khiến cho “người Hàn Quốc dùng hàng hóa Hàn Quốc” chứ không phải đơn thuần tinh thần dân tộc. Được hỏi “Vì sao bạn chỉ dùng xe ô tô Hàn Quốc? Xe nước ngoài không tốt à?”, nhiều người bạn của tôi tại Hàn Quốc trả lời: “Không phải là vì tôi quan tâm đó là xe Hàn Quốc hay không, mà là vì bảo hành rất yên tâm, dễ dàng, chu đáo. Còn xe nước ngoài việc bảo hành khó hơn vì thiếu phụ tùng thay thế ”.
Thực vậy, yếu tố hậu mãi rất tốt, cộng thêm văn hóa phục vụ tận tâm hết sức lễ phép, tôn trọng khách hàng của nhân viên bán hàng, cũng là điều đã làm cho “quốc nội sản” của Hàn Quốc uy tín và giá trị hơn hàng hóa nước ngoài. Rồi lâu dần thành thói quen, khách hàng Hàn Quốc dường như chỉ biết có hàng hóa nội địa của nước mình mà thôi. Ngược lại, có thị trường, lợi nhuận, doanh nghiệp Hàn Quốc có điều kiện nâng cao dần chất lượng hàng hóa của mình trong vài chục năm qua.
Rõ ràng, chú trọng vào phong cách phục vụ tận tâm với khách hàng là cách đầu tư cạnh tranh có tính hiệu quả chiến lược nhưng lại đơn giản và ít chi phí ở thị trường Việt Nam. Bởi vì chúng ta làm việc đó ở ngay trên đất nước của ta, bắt đầu từ người bán hàng và khách hàng Việt Nam sẵn có khắp mọi nơi. Đã vậy, đó cũng là hình thức góp phần vào giáo dục cộng đồng, bắt đầu từ lời ăn tiếng nói, thái độ trong quan hệ xã hội, và sự ý thức được những giá trị đạo đức nhất định nhìn từ khía cạnh kinh doanh.
Mong một triết lý kinh doanh Việt Nam khả dĩ, biến lời kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thành thực tế.
Bạn đọc Việt Tiến (từ Seoul, Hàn Quốc)
Theo TuanVietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN
♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách) là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!