4 tháng 5, 2010

Hàng Nội Đang Đuối Sức (Kỳ 1)

Ngừng vận động, giảm hỗ trợ, tỷ lệ hàng Việt Nam trong hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại vừa qua giảm đáng kể. Nhiều nhà sản xuất trong nước để mất đi đà tiếp sức được tạo ra từ đợt hỗ trợ tổng thể của Chính phủ năm ngoái.

Người tiêu dùng muốn ủng hộ hàng Việt cũng ít có cơ hội vì hàng ngoại áp đảo. Ảnh: Đức Long.

Dù lãnh đạo các siêu thị, trung tâm thương mại đều khẳng định ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước khi chủ yếu phân phối hàng nội nhưng theo khảo sát của Đất Việt tại Hà Nội, TP HCM, thời gian này, hàng ngoại lại “quay về” phủ kín, áp đảo hàng nội.

Hàng điện máy, điện tử, mỹ phẩm, đồ gia dụng…, hầu hết sản phẩm giá trị cao, doanh thu lớn trong các siêu thị, trung tâm thương mại hiện nay đều có nguồn gốc ngoại nhập. Các doanh nghiệp nội mới chỉ ưu thế trong một số lĩnh vực như: may mặc, thực phẩm tươi sống, thức ăn chế biến sẵn…

Hàng ngoại, hàng liên doanh áp đảo

Dạo quanh một vòng các hệ thống siêu thị như Saigon Co.op, BigC, Citi Mart, Maxi Mark… (TP HCM), Fivimart, Intimex, Citimart (Hà Nội), hay Metro, BigC, không khó để nhận thấy, sự “bành trướng” của hàng ngoại, hàng liên doanh thể hiện khá rõ ở các ngành hàng: hóa mỹ phẩm, điện máy, sữa và sản phẩm từ sữa… Trên các quầy hàng điện máy, ngoài các thương hiệu lâu đời như Sharp, Toshiba, Samsung, Alaska, LG, Panasonic… còn xuất hiện thêm nhiều thương hiệu mới có nguồn gốc từ Trung Quốc, Indonesia, Philipines, Đài Loan (Trung Quốc)…

Tại siêu thị điện máy Media Mart (số 56 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), các sản phẩm như ti vi, dàn âm thanh, máy tính, máy giặt, tủ lạnh, dụng cụ đồ bếp, có tới 50% hàng nhập khẩu, 50% còn lại là hàng liên doanh. Đặc biệt, tại đây máy tính xách tay chiếm tới… 98% là xuất xứ từ Trung Quốc, đại diện từ Việt Nam chỉ có hai chiếc mang thương hiệu CMS. Tương tự, tại siêu thị điện máy Trần Anh (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội), máy tính xách tay gần 100% là hàng do Trung Quốc sản xuất…

Mặt hàng đồ chơi trẻ em (đồ chơi lắp ráp, điều khiển từ xa, búp bê…), hầu hết có xuất xứ nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc, từ siêu thị Citimart, Fivimart hay Big C… “Sản phẩm từ Trung Quốc có giá thấp hơn so với hàng Việt, mẫu mã phong phú, bắt mắt nên lượng tiêu thụ lớn”, chị Hồ Thị Thu Hương, nhân viên quầy đồ chơi trẻ em, siêu thị Fivimart cho biết.

Trên kệ hàng gốm sứ tại Co.op Mart Nhiêu Lộc (TP HCM), người tiêu dùng có thể thấy rất nhiều loại chén bát, ly tách với hoa văn đẹp mắt, giá cả phù hợp của Trung Quốc nhưng muốn tìm một thương hiệu sành sứ của Việt Nam không dễ…

Muốn xài hàng Việt cũng khó

Khảo sát của Đất Việt, trong phần nhiều các siêu thị, tỷ lệ hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất chỉ chiếm khoảng 50%, cá biệt có nơi chỉ khoảng 40%, tập trung ở nhóm hàng may mặc, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống… Ở góc độ nào đó, một số thương hiệu như Tường An, Vissan, Kinh Đô, Bibica, Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước… đã tạo được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, song chỉ như vài hạt muối trong cả biển hàng hóa liên doanh, ngoại nhập. Mặt khác, doanh thu từ nhóm hàng nội này luôn giữ vị trí khiêm tốn so với từ các mặt hàng ngoại nhập khác.

Trong số các kênh phân phối, Hapro, hệ thống siêu thị gia đình phân bố nhiều điểm khắp Hà Nội có lượng hàng nội trội hơn cả. Như tại Hapro điểm C12 Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), tỷ lệ hàng nhập khẩu chỉ chiếm 15 - 20%, tập trung nhiều vào hàng tiêu dùng, dụng cụ nhà bếp và đồ chơi trẻ em. Còn tại Hapro Mart 35 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), hầu như hàng nhập khẩu không xuất hiện, trừ một số ít mặt hàng mỹ phẩm.

Chị Nguyễn Minh Huyền, khách mua hàng tại Hapro Hàng Bông, cho biết, gia đình chị không chú trọng xuất xứ hàng hóa, miễn là chất lượng, giá cả phù hợp. “Chúng tôi cũng muốn ủng hộ hàng Việt Nam, song nhiều khi không có sự lựa chọn bởi các siêu thị tràn ngập hàng ngoại”, chị Huyền nhận xét.

Cho rằng BigC luôn chú trọng ưu tiên hàng Việt, song bà Nguyễn Thanh Huyền, Trưởng phòng Truyền thông Big C Thăng Long, thừa nhận, một số mặt hàng như đồ chơi tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng đúng là các mặt hàng nội địa tỏ ra “lép vế”. Ông Ngô Văn Hải, Phó tổng giám đốc Citimart, cũng cho biết, một số sản phẩm như mỹ phẩm cao cấp, hàng nội không thể cạnh tranh được do nguồn cung, chủng loại ít, khách hàng không lựa chọn và bày trên kệ rất lâu mới bán được.

Kỳ 2: Ngừng hà hơi là... khó thở
Theo Nhóm PV (baodatviet.vn)

8 nhận xét:

  1. Đây là một sự thực không thể chối cãi, đã, đang và thậm chí sẽ còn kéo dài trong tương lai. Nhưng cái gì cũng phải cần thời gian, và doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy. Đó là lý do tại sao những cuộc vận động kêu gọi người Việt ủng hộ hàng Việt được phát động vì nếu chúng ta thực sự ủng hộ cho hàng Việt thì khoảng thời gian đó sẽ được rút ngắn rất nhiều. Nhật và Hàn là hai tấm gương điển hình nhất trong "dân mình dùng hàng mình và nước mình giàu mạnh" - và họ cũng cần thời gian!!!!
    Cá nhân tôi ủng hộ những bài viết mang tính trái chiều này vì nó giúp những cá nhân bị phong trào cuốn theo có 1 tích tắc dừng lại xác định mình đang ở đâu và mình cần làm gì tiếp theo..
    Petipa @_____@

    Trả lờiXóa
  2. Ý của Marad là giống bên vnpressnet dưới dòng POST A COMMENT có hướng dẫn về cách thức hoặc nội quy comment đó hả?

    Trả lờiXóa
  3. Như ở Dùng hàng Việt là ở chỗ dưới dòng ĐĂNG MỘT NHẬN XÉT mình ghi một số lưu ý để comment đó hả?

    Trả lờiXóa
  4. Vâng, để em thử một số cách của bác chỉ xem. Cảm ơn bác nhé :D

    Trả lờiXóa
  5. he he nhìn đẹp rồi, có thời gian anh nghiên cứu thêm cái Css rồi hướng dẫn pro hơn.

    Trả lờiXóa
  6. Những vị lãnh đạo các siêu thị luôn miệng cho rằng 95% hàng hóa trong các siêu thị đều là hàng Việt. Đây chỉ là cách biện minh để hưởng ứng phong trào cho hợp lòng dân. Chứ thực ra, hàng ngoại vẫn đang áp đảo tại đây.

    Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết của mình, viết cách đây cũng khá lâu: http://www.dunghangviet.vn/2010/01/co-phai-hang-viet-chiem-95-tai-cac-sieu.html.

    Trả lờiXóa
  7. Muốn dân ta ủng hộ hàng nội chỉ còn cách đóng cửa biên giới không giao thương với Trung Quốc. Dân ta tiếp tay cho bọn buôn hàng lậu Trung Quốc nhiều quá. Đi đâu cũng thấy hàng Trung Quốc, nhìn phát kinh tởm.

    Trả lờiXóa
  8. lối ra nào cho sản phẩm mỹ nghệ gốm sứ việt nam, haizz, nhiều cai đáng nghĩ quá, mời các bạn xem thêm về gốm sứ bát tràng ở đây nhé: https://battrangnews.vn/am-chen-bat-trang/c203.html

    Trả lờiXóa

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!