10 tháng 5, 2010

Khu Vực Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài: Lượng Không Bù Được Chất

Trên bình diện thế giới, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư đã và đang cơ cấu, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh. Đáng mừng là, Việt Nam vẫn là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong dài hạn.

Hiệu quả đầu tư của các DN có vốn FDI thường ở mức thấp.

Trên thực tế, dù số vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2009 chỉ đạt khoảng 21,48 tỷ USD (bằng 30% so với năm 2008), nhưng vốn thực hiện vẫn đạt ở mức khá (khoảng 10 tỷ USD, chỉ giảm 13% so với năm 2008). Tuy nhiên, lĩnh vực thu hút đầu tư lại có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Năm 2008, các dự án FDI tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp (912 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 35,6 tỷ USD, chiếm 58,6% số dự án và 53,4% tổng vốn cấp mới). Nhưng năm 2009, dòng vốn tập trung vào các ngành dịch vụ, đặc biệt là kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống; có 498 dự án cấp mới với 13,2 tỷ USD (59,3% số dự án và 81,2% tổng vốn FDI cấp mới); các dự án công nghiệp giảm mạnh, chỉ đạt 325 dự án với 3 tỷ USD.

Không thể phủ nhận những đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta như: tạo việc làm, tăng thu nhập, du nhập công nghệ và phương thức quản lý tiên tiến... Tuy nhiên, đã đến lúc phải đánh giá nghiêm túc những mặt trái của FDI tại Việt Nam cũng như giá trị thực sự mà dòng vốn này mang lại.

Nghiên cứu của GS.Nguyễn Quang Thái và Bùi Trinh cho thấy, trong 10 năm (1999 - 2009), ICOR (hệ số sử dụng vốn hay hệ số dầu tư tăng trưởng) của khu vực nhà nước, tư nhân và FDI lần lượt là 7,76; 3,54 và 7,91. Hệ số TFP (chuyển giao công nghệ) của các khu vực này trong thời gian đó tương ứng là 8,6; 3,1 và -17,6. Điều này chứng tó, hiệu quả đầu tư của khu vực FDI rất thấp, còn chuyển giao công nghệ hầu như không có. Thống kê tại TP. Hồ Chí Minh thấy, năm 2009, gần 60% doanh nghiệp FDI báo cáo thua lỗ. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước không thu được thuế thu nhập doanh nghiệp từ những công ty này do họ luôn tìm cách gửi giá vào vật tư, máy móc nhập khẩu, làm tăng chi phí trung gian dẫn đến lỗ. Đây là một hình thức chuyển giá (transfer pricing) ra nước ngoài nhằm trốn thuế. Nhìn trên bình diện nộp ngân sách, mức đóng góp cho ngân sách của doanh nghiệp FDI đã không tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và quy mô về giá trị sản xuất công nghiệp khi mà khoản thu từ khu vực này chỉ chiếm dưới 10% tổng thu ngân sách quốc gia.

Không những thế, ở một số doanh nghiệp FDI, các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ và khâu hạch toán, người Việt Nam không được biết. Các doanh nghiệp FDI hoạt động chủ yếu trong những ngành sử dụng nhiều lao động; đa số vẫn là nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài về thực hiện công đoạn gia công, không sử dụng nguồn nguyên liệu và vật tư có sẵn trong nước.

Khi nguồn vốn FDI năm 2008 đạt trên 64 tỷ USD, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm tăng chất lượng và tính bền vững của dòng vốn này hơn là để ý đến số lượng. Điều này có thể nhận thấy qua việc nhiều dự án FDI có số vốn đầu tư hàng tỷ USD đang bộc lộ những yếu tố không có lợi cho nền kinh tế. Công bằng mà nói, vấn đề chất lượng dự án, chất lượng dòng vốn FDI đã được đặt ra ngay từ thời điểm nước ta bắt đầu mở cửa thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, do đặc dù thiếu vốn đầu tư cho các ngành nghề, lĩnh vực, chúng ta chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào mọi lĩnh vực với mọi quy mô. Tùy từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể, cần có chính sách phù hợp. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, càng cần có cách nhìn, cách tư duy mới để có những giải pháp hài hòa giữa yếu tố thúc đẩy tăng trưởng với xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, chất lượng và phát triển bền vững.
Theo Minh Quang (kinhtenongthon.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!