19 tháng 7, 2010

Hiểu - Tin Hàng Việt: Lập Lờ Thông Tin Nhãn Mác

Người tiêu dùng có quyền được biết đầy đủ thông tin về bản chất của sản phẩm để có sự lựa chọn chính xác nhất. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn lập lờ trong ghi nhãn mác khiến người tiêu dùng ngộ nhận về sản phẩm.

Hiểu - tin hàng Việt: Lập lờ thông tin nhãn mác
Với những mặt hàng tươi sống, người mua cần lưu ý ngày đóng gói và hạn sử dụng - Ảnh: N.B.

Từ giữa tháng 7-2010, bao bì sữa hộp sản phẩm Dollac Gold của Công ty sữa Hancofood sẽ được thay bằng cụm từ “thực phẩm bổ sung sữa bột nhãn hiệu Dollac...”. Theo lý giải của ông Phạm Ngọc Châu, phó giám đốc Hancofood, trong hộp sữa này được bổ sung nhiều khoáng chất và vitamin nên cũng có thể xem như một dạng thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng sản phẩm này hoàn toàn không phải là thực phẩm chức năng.

Có một nói mười

Trên thị trường sữa nước hiện nay có ba sản phẩm chính là sữa tươi thanh trùng (100% là sữa tươi), sữa tươi tiệt trùng (99% là sữa tươi) và sữa hoàn nguyên tiệt trùng (được làm từ sữa bột pha trộn với nước). Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp sữa đã lập lờ bỏ quên từ “hoàn nguyên” để quảng cáo là sữa tươi tiệt trùng và bán với mức giá cao hơn.

Hiện nay, vi phạm về quy định nhãn mác phổ biến nhất vẫn là trong lĩnh vực thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng với nhiều hình thức như quên ghi ngày tháng sản xuất, nơi sản xuất hay thành phần sản phẩm. Mục đích của các hành vi này chủ yếu nhằm gây hiểu sai bản chất sản phẩm để bán được giá cao.

Thị trường thời gian qua rầm rộ với cơn sốt mì sợi khoai tây của một nhãn hàng mì gói. Quảng cáo sợi mì làm từ bột khoai tây nên ăn không bị nóng, sản phẩm này nhanh chóng được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Nhưng những người tiêu dùng tinh ý cho rằng với hàm lượng 10g/kg thì việc quảng cáo sợi mì làm từ khoai tây là không chính xác, rất dễ gây hiểu nhầm về bản chất sản phẩm.

“Chỉ có thể là sợi mì hương vị khoai tây! Và từng đó không đủ để làm giảm ăn mì không lo bị nóng!” - chị Huyền Trân (TP.HCM), một người tiêu dùng, nhận xét. Tương tự trên sản phẩm cháo ăn liền cá lóc của nhãn hàng V. được quảng cáo là cháo cá lóc, khi tìm hiểu thành phần trên nhãn chỉ có một lượng rất ít bột cá, còn loại cá nào thì người tiêu dùng không được cung cấp thông tin.

Một vi phạm khá phổ biến nữa là quên ghi nơi sản xuất mà chỉ ghi công ty chịu trách nhiệm sản phẩm. Ví dụ có rất nhiều sản phẩm nước mắm Nha Trang không ghi nơi sản xuất khiến người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sản phẩm chính gốc. Trong khi thực tế rất nhiều sản phẩm nước mắm Nha Trang nhưng được sản xuất, đóng gói tại TP.HCM.

Theo bà Vũ Thị Bạch Nga, trưởng Ban bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), những hành vi được xem là viết không đúng bản chất thực của hàng hóa đó đều bị xem là vi phạm quy định nhãn hàng. Tuy nhiên, với lý giải cách này hay cách khác, nhà sản xuất luôn tìm cách lách cơ quan chức năng, đánh đố người tiêu dùng.

Tập thói quen đọc nhãn

Theo quy định nghị định số 89/2006/NĐ-CP, ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Tuy nhiên, thực tế rất nhiều bà nội trợ cho biết họ hiếm khi đọc nhãn mác và hướng dẫn sử dụng của sản phẩm. Phần lớn lựa chọn một sản phẩm dựa vào thói quen hoặc sự bắt mắt của bao bì.

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng người nội trợ cần phải biết các thông tin cần thiết về sản phẩm mình dự định mua: thông tin dinh dưỡng, hạn sử dụng... “Điều đó giúp chị em chọn lựa sản phẩm thích hợp cho các thành viên trong gia đình”, bác sĩ Yến Phi đưa ra lời khuyên.

Bà Vũ Thị Bạch Nga cho biết hiện nay việc lập lờ trên bao bì nhãn mác của nhà sản xuất hòng đánh lừa người tiêu dùng không chỉ xảy ra trên một vài sản phẩm. Ngay những sản phẩm điện máy, hàng điện tử nhà sản xuất cũng cố tình lập lờ để gây khó hiểu cho người tiêu dùng, như thương hiệu có tên giống Nhật nhưng thực chất sản xuất tại Trung Quốc hay hàng đặt gia công từ một nước khác...

“Doanh nghiệp cần minh bạch với người tiêu dùng trong công bố chất lượng hàng hóa. Bởi qua bài học từ vụ thiếu độ đạm trong sữa trước đây cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng tẩy chay các sản phẩm mà thông tin không chính xác, còn nhà sản xuất phải mất rất nhiều thời gian mới gầy dựng lại lòng tin ở khách hàng”, bà Nga nói.

Dễ đánh đồng chất lượng sản phẩm

Bà Bùi Thị Hương, giám đốc đối ngoại Công ty cổ phần Sữa VN - Vinamilk, cho rằng tình trạng lập lờ trong nhãn mác của nhiều doanh nghiệp sản xuất không chỉ gây ngộ nhận cho người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

“Một khi thông tin không rõ ràng thì người tiêu dùng rất dễ đánh đồng chất lượng sản phẩm trên thị trường”, bà Hương nói. Vì vậy, khi chọn mua bất kỳ sản phẩm nào, người tiêu dùng cần đọc kỹ thành phần cụ thể ghi trên bao bì.

Theo quy định về ghi nhãn mác hàng hóa, các thành phần được thể hiện theo tỉ lệ từ thấp đến cao. Ví dụ đối với sản phẩm sữa thanh trùng của Vinamilk, đây là sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu sữa bò tươi nguyên chất 100%, nên thành phần chính là sữa tươi sẽ ghi đầu tiên, sau đó mới đến các thành phần phụ khác như khoáng chất, vitamin...
Theo Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!