19 tháng 7, 2010

Thị Trường Campuchia: Để Tạo Dấu Ấn Hàng Việt Đậm Nét Hơn

Đi hội chợ triển lãm Expo 2010 của TP.HCM tổ chức tại Phnom Penh (15 – 19.7), thấy hàng Việt Nam được người dân Campuchia mua sắm thật nhiều. Việc cần làm là phải nhanh chóng mở rộng phân phối để phủ hàng Việt Nam trên nhiều địa bàn ở Campuchia.

Thị trường Campuchia: Để tạo dấu ấn hàng Việt đậm nét hơn
Đồ nhựa Việt Nam đang lấn thị phần đồ nhựa Thái Lan.

Để tìm hiểu hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam, chúng tôi đã đi một vòng Phnom Penh, đến các cửa hàng của doanh nghiệp Việt Nam và gặp gỡ nhà phân phối Campuchia.

Mở rộng phân phối, giữ giá cạnh tranh

Hai cửa hàng của doanh nghiệp tư nhân bánh kẹo Á Châu (ABC) tại Phnom Penh lúc nào cũng có khách Campuchia vào mua đủ loại bánh tươi, bánh mì, bánh kem. Ông Kao Siêu Lực, giám đốc ABC cho biết ông đã đầu tư sang Campuchia ba năm, mở được hai cửa hàng. ABC chọn địa điểm gần các trạm xe Phnom Penh – TP.HCM hoặc gần các khu mua sắm để người Việt hay Campuchia dễ nhìn thấy. ABC có xưởng làm bánh tại cửa hàng, bánh lúc nào cũng nóng và mới nên người Campuchia rất thích.

Theo ông Lực, người điều hành và nhân viên biết nói tiếng bản địa sẽ thuận lợi hơn khi kinh doanh ở Campuchia. Hai cửa hàng ABC có đến 95% nhân viên là người Campuchia, họ được đưa sang huấn luyện tại xưởng của ABC ở TP.HCM. Nhờ biết tiếng Campuchia nên ông dạy nghề và hướng dẫn cách phục vụ khách cho họ rất nhanh. Ông Lực đang chuẩn bị khai trương cửa hàng thứ ba và mục tiêu đạt bảy cửa hàng ABC ở Campuchia vào năm tới.

Công ty Biti’s chỉ có ba cửa hàng tại Phnom Penh, Siem Reap và Battambang để quảng bá thương hiệu, chủ yếu là bán hàng qua nhà phân phối. Dép kiểu Lào bán chạy nhất, một đôi giá 2,5 USD tương đương 50.000 đồng. Ở Campuchia, có 800 điểm nhận bán lẻ giày dép Biti’s, trong đó ở Phnom Penh có 400 điểm. Theo người quản lý cửa hàng, Trung Quốc không là đối thủ, hàng Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan nhiều hơn. Mặc dù giá một số mặt hàng Việt Nam đang thấp hơn hàng Thái Lan, nhưng phải chú trọng thay đổi thường xuyên mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh hơn nữa để tạo cho người tiêu dùng Campuchia nghĩ sâu rằng hàng Việt Nam tốt bằng hoặc hơn hàng Thái Lan, làm cho họ dùng thật quen hàng Việt thì tương lai sẽ phát triển hệ thống phân phối dễ dàng hơn.

Qua hai năm thăm dò thị trường, công ty bảo vệ thực vật Sài Gòn đã lập chi nhánh tại Phnom Penh. Công ty hiện có 52 đại lý ở các tỉnh, thành Campuchia phân phối các sản phẩm dùng cho nông nghiệp. Ông Lý Văn Minh, giám đốc công ty bảo vệ thực vật Sài Gòn Campuchia cho biết công ty còn liên doanh khai thác mấy chục hecta đất trồng các loại rau sạch, tiêu thụ toàn bộ tại Phnom Penh, đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng thêm hoa, trà. Nhờ nền tảng ban đầu công ty bảo vệ thực vật Sài Gòn đã đạt được, mà hai công ty khác của tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn là công ty thực phẩm Gò Vấp và công ty chăn nuôi – chế biến thực phẩm Sài Gòn thuận lợi khi đưa hàng sang Campuchia theo cùng hệ thống phân phối.

Không thể chủ quan

Theo ông Sophia – nhà phân phối bánh kẹo và nước chấm Việt Nam, người Campuchia thấy mới là thử, nên lúc đầu có thể một sản phẩm nào đó bán rất chạy, sau một thời gian dùng thử, không thấy thích hợp thì họ bỏ. Vì vậy, các doanh nghiệp không nên chủ quan cho rằng hàng ở Việt Nam bán chạy là sang Campuchia được, với thực phẩm phải tìm hiểu khẩu vị của người Campuchia, với hàng tiêu dùng phải biết thị hiếu của họ. Hàng Thái Lan không hẳn chất lượng hơn nhưng đánh đúng khẩu vị, thị hiếu. Điều này có thể dễ nhận thấy nhất qua các sản phẩm của Vinamilk. Sữa Vinamilk không cạnh tranh được với sữa Thái Lan, chỉ có sữa chua Vinamilk được ưa chuộng. Là nhà phân phối, ông Sophia cố gắng tăng thị phần cho hàng Việt Nam. Ông cho biết bánh kẹo Hữu Nghị bán chạy. Hiện ông đang đưa nước mắm Châu Thành của Phú Quốc đi giới thiệu ở các chợ.

Ông Lê Minh, giám đốc công ty Z38 đang chuẩn bị cho siêu thị Việt Nam khai trương vào tháng 9 tới. Ông định hình đây là siêu thị của hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm cho giới tiêu dùng từ trung bình đến cao cấp. Ông muốn cho người Campuchia thấy rằng hàng Việt Nam đẹp, sang không thua hàng nước ngoài khác, xài hàng Việt Nam là chứng tỏ đẳng cấp của họ. Ông Minh cho rằng nếu cứ để lẫn lộn hàng bình dân với hàng cao cấp thì hình ảnh hàng Việt Nam khó vượt lên hình ảnh hàng Thái Lan đã ăn sâu vào người Campuchia.

Nhiều doanh nghiệp muốn sang Campuchia, nhưng ngại vì không biết tiếng Campuchia, ngại thủ tục vì mặc dù văn bản luật của Campuchia tốt nhưng việc thực thi luật còn nhiều điều làm doanh nghiệp lúng túng, tốn kém nhiều. Doanh nghiệp rất cần một cơ quan chuyên môn để hỗ trợ về các thủ tục hành chính, thuế. Theo đánh giá chung, Viettel đang phát triển mạnh nhất ở Campuchia, kế đến là ngân hàng Sacombank, BIDV, doanh nghiệp mong họ truyền đạt kinh nghiệm ở thị trường này.

Doanh nghiệp phản ảnh hầu như sang Campuchia phải tự thân vận động. Cả hai hiệp hội Các nhà đầu tư tại Campuchia cũng như hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đều ra mắt hoành tráng, nhưng sau đó mức độ lắng nghe, hỗ trợ doanh nghiệp còn yếu, tiếng nói của các tổ chức này chưa đủ mạnh để tác động đến các cơ quan chức năng ở Campuchia. Doanh nghiệp cũng rất mong tham tán thương mại tại Campuchia thay vì chỉ ghi nhận những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp để tổng kết hàng năm, thì hãy tích cực hướng dẫn doanh nghiệp bước đầu vào thị trường.
Theo SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!