28 tháng 7, 2010

Thị Trường Logistics Việt Nam: “Ông Lớn” Nước Ngoài Thao Túng

Với nền kinh tế phát triển, dịch vụ vận tải đa phương thức (logistics) đã trở thành một ngành dịch vụ tích hợp nhiều hoạt động có giá trị gia tăng cao, đem lại lợi ích kinh tế lớn. Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế Việt Nam sẽ là môi trường cơ hội cho logistics bùng nổ vào thời gian tới.Tuy nhiên, DNVN lại đang thua trên sân nhà.

Vinalines - Logistics
Vinalines chú trọng phát triển chuỗi cảng biển để làm nền tảng phát triển dịch vụ logistics. Ảnh: V.T

Thua trên sân nhà

Theo ông Lê Anh Sơn - Phó TGĐ TCty Hàng hải VN (Vinalines), tại VN các đại gia logistics đa quốc gia đang chiếm phần lớn thị phần. Họ nắm trong tay hầu hết thị phần vận chuyển của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài tại VN. Ngay cả các Cty trong nước có lượng hàng hoá XNK lớn : Vinamilk, Tân Hiệp Phát... cũng lựa chọn nhà thầu Logistics nước ngoài.

Cũng theo số liệu thống kê, hiện thị trường dịch vụ logistics VN có khoảng từ 800 - 900 DN nhưng đa phần đều nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ và nhân lực. Trong khi đó, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa rõ ràng và giám sát yếu đã khiến các DN logistics VN chưa phát huy được. Các DN ở vào tình trạng cạnh tranh theo kiểu “tự sát” (hạ giá thành mà không quan tâm đến chất lượng dịch vụ, không tuân theo một tiêu chuẩn cụ thể...) khiến cho DN logistics đã yếu lại càng khó khăn hơn. Các DN logistics trong nước đang tự cắt giảm lợi nhuận của chính mình, không thể tích tụ vốn, không đủ năng lực, trở thành “thầu phụ” làm thuê cho các Cty cung ứng dịch vụ logistics nước ngoài.

Trong khi đó, nhận định của các chuyên gia kinh tế cho thấy, VN nằm trong khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, vì vậy thị trường logistics VN hứa hẹn sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Song trên thực tế, dịch vụ logistics tại VN lại khá đắt đỏ do hạ tầng yếu, nạn kẹt xe thường xuyên xảy ra, gây phát sinh nhiều chi phí phụ vô lý. Mặt khác, tính minh bạch của các DN VN rất yếu, đã làm nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khiến dịch vụ logistics khó phát triển. Nếu không nhanh chóng cải thiện tình hình, dịch vụ logistics sẽ không thể cạnh tranh được với các “ông lớn” nước ngoài.

“ Cú hích” Vinalines?

Theo ông Lê Anh Sơn, với vai trò là một DN nhà nước đầu tàu trong lĩnh vực kinh tế biển, Vinalines đã và đang tìm cách giành lại thị trường logistics. Thời gian qua, Vinalines đã tập trung phát triển các chuỗi dịch vụ từ cảng - vận tải - chuỗi dịch vụ gia tăng. Đặc biệt, Vinalines chú trọng phát triển dịch vụ gia tăng tại các trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông lớn.

Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015 sẽ phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, đưa vào khai thác hệ thống cảng đầu mối quốc tế nước sâu tại cảng Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời, nâng cấp mạng lưới cảng gom: Hà Tĩnh, Nghệ An, Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau...; đồng thời tập trung phát triển các trung tâm logistics hiện đại tại Lạch Huyện, Vân Phong, Đà Nẵng... để liên kết tạo thành một chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, Vinalines sẽ cùng với Hiệp hội Giao nhận kho vận, Hiệp hội Chủ tàu, Hiệp hội Cảng biển và các hiệp hội ngành nghề khác nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ ban hành khung pháp lý về quản lý các hoạt động logistics tại VN nhằm đảm bảo tính nhất quán, minh bạch và bình đẳng cho các hoạt động DN.

Vinalines cũng đề xuất Chính phủ xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics từ cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt, đường sông, các trung tâm phân phối hàng hoá... theo một lộ trình tổng thể, có khả năng tương tác và hỗ trợ qua lại lẫn nhau một cách hiệu quả.

Đặc biệt, tham mưu cho Chính phủ những cơ chế nhằm đẩy mạnh một số cơ sở hạ tầng trọng điểm hiện nay như: Đường cao tốc HN - HP, cầu Đình Vũ, xây luồng đê chắn sóng Lạch Huyện, đường cao tốc HCM - Vũng Tàu, các tuyến đường vành đai của HN, TPHCM... Đây có thể xem là những nền tảng cơ bản tạo môi trường thuận lợi để phát huy tiềm năng logistics VN một cách bài bản trong thời gian tới.
Theo Lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!