Công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn
Công nghiệp phụ trợ được hiểu là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Sản phẩm công nghiệp phụ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài hiệu quả tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa theo hướng vừa mở rộng vừa thâm sâu. Công nghiệp phụ trợ nếu không phát triển sẽ khiến cho các ngành công nghiệp chính thiếu đi sức cạnh tranh và phạm vi cũng giới hạn trong một số ít các ngành.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp phụ trợ ở nước ta hiện nay đã thành công ở lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu về phụ tùng trong nước. Tương tự, ngành điện gia dụng cũng đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 70% đến 80%. Tuy nhiên xét trên mặt bằng chung, công nghiệp phụ trợ ở nước ta hiện nay còn hết sức đơn giản, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất các linh kiện chi tiết đơn giản, giá trị gia tăng thấp và còn có sự chênh lệch về năng lực phụ trợ giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa của Việt Nam với các yêu cầu của các hãng sản xuất toàn cầu.
Minh chứng rõ nhất cho thấy ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta phát triển không như mong muốn đó là sự thất bại của chiến lược nội địa hóa ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Sau hơn 10 năm hoạt động, tỷ lệ nội địa hóa của ngành ôtô rất thấp, cao nhất là Honda Việt Nam cũng chỉ đạt 10%, kế tiếp là Toyota Việt Nam (7%). Các công ty ô tô còn lại chỉ đạt 2-4%. Doanh nghiệp mới chỉ cung cấp được vài sản phẩm đơn giản, giá trị thấy như bộ dây điện trong xe, ghế ngồi, một số chi tiết kim loại, nhựa…
Ngoài ra, các ngành xuất khẩu chủ lực là dệt may và da giày vẫn phải phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu nước ngoài. Trong đó, ngành dệt may hàng năm sử dụng không dưới 500 triệu mét vuông vải để làm hàng xuất khẩu nhưng nhập khẩu tới 80% nhu cầu về sợi polyeste, ngành giày da nhập khẩu khoảng 85% hóa chất và các phụ liệu khác.
Nguyên nhân sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế xuất phát từ 3 lý do chủ yếu là: Thứ 1, các ngành phụ trợ này (chủ yếu do doanh nghiệp Nhà nước sản xuất) cung cấp những sản phẩm có chất lượng kém và giá thành cao (vì công nghệ lạc hậu, quản lý kém…) nên chỉ tiêu thụ được trong nội bộ các doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, một bộ phận khác là các hộ kinh doanh cá thể (phần lớn sản xuất những sản phẩm công nghiệp phụ trợ cấp thấp) đang gặp khó khăn về vốn và công nghệ. Bên cạnh đó thì hầu hết các ngành công nghiệp gần như mới chỉ phát triển ở khu vực hạ nguồn (lĩnh vực gia công công đoạn cuối của sản phẩm). Khu vực thượng nguồn (lĩnh vực công nghiệp phụ trợ) bao gồm các ngành sản xuất nguyên phụ liệu, linh kiện, phụ tùng còn kém phát triển.
Thứ 3 là trong số các doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp phụ trợ, có rất ít các doanh nghiệp cung ứng linh kiện. Hiện nay chủ yếu là các nhà cung ứng linh kiện Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan, cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam. Phải thẳng thắn nhìn nhận công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu do các doanh nghiệp vẫn mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp do chưa tính toán được mức lợi nhuận so với chi phí đầu tư nên cũng chưa thực sự vào cuộc.
Theo Quy hoạch phát triển Công nghiệp phụ trợ đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, phát triển loại hình công nghiệp này được tập trung vào 5 nhóm ngành cơ bản, trong đó công nghiệp phụ trợ dệt may, sẽ hình thành 3 trung tâm nguyên liệu phụ liệu dệt may ở cả 3 miền. Đến năm 2015, các sản phẩm sơ, sợi tổng hợp sẽ đáp ứng được 50%, đến năm 2020 sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu trong nước và xuất khẩu sau năm 2020. Về công nghiệp phụ trợ ngành da-giày, quy hoạch xác định, sau năm 2010 phấn đấu đáp ứng được 49% nguyên liệu trong nước trên cơ sở phát triển vùng nguyên liệu.
Công nghiệp phụ trợ cho sản xuất và lắp ráp ôtô, trước mắt Việt Nam sẽ tập trung lắp ráp các sản phẩm chính là xe tải, xe taxi vận chuyển hành khách nhiều chỗ ngồi, nội địa hóa các chi tiết chức năng của hệ động lực, động cơ… Giai đoạn 2010-2020 sẽ xuất khẩu một số sản phẩm công nghiệp phụ trợ ôtô tỷ lệ nội địa hóa 60%. Còn với công nghiệp phụ trợ phát triển ngành cơ khí, quy hoạch phát triển cũng xác định đến năm 2020 đạt khoảng 75% với chất lượng tương đương khu vực.
Để thúc đẩy quá trình này và đáp ứng được yêu cầu đề ra đòi hỏi Chính phủ cần phải có nhóm giải pháp đồng bộ. Trong đó, không chỉ thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, sau đó sẽ chuyển giao kỹ thuật cho các doanh nghiệp Việt Nam mà cần tạo dựng môi trường đầu tư với các khu công nghiệp dành riêng cho công nghiệp phụ trợ, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển hạ tầng cơ sở và liên kết doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ chế sản xuất của các doanh nghiệp.
Theo Việt Phương (An Ninh thủ đô)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN
♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách) là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!