17 tháng 10, 2010

Người Tiêu Dùng Nông Thôn Đã Biết Đòi Hỏi

Đó là nhận định của bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) trong cuộc trao đổi với PV VnMedia, khi phiên chợ đầu tiên của chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn giai đoạn 2 chính thức được khởi động.

hàng Việt về nông thôn
Những phiên chợ nông thôn đã thu hút được rất nhiều người tiêu dùng

- Xin bà cho biết, mục tiêu quan trọng của việc đưa hàng Việt về nông thôn là gì?

Theo tôi, mục tiêu quan trọng nhất của những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn không phải là bán hàng, mà là tiếp cận với người tiêu dùng nông thôn để tìm hiểu tâm lý và hành vi nhu cầu, khả năng tiêu dùng của họ. Từ nghiên cứu đó, các nhà sản xuất sẽ cải tiến những sản phẩm và dịch vụ để những sản phẩm này có thể đứng lại lâu trên thị trường nông thôn.

Tôi nghĩ rằng, những phiên chợ về nông thôn đã tạo ra những cú hích khởi động, cho cuộc đi tìm hiểu về người tiêu dùng nông thôn một cách trực tiếp nhất. Sau đó, bản thân các doanh nghiệp sẽ thấu hiểu hơn khách hàng của mình và trở lại thị trường này với kết quả kinh doanh thành công hơn.

- Vậy theo bà, những doanh nghiệp đang có ý định đưa hàng Việt về nông thôn có cần nghiên cứu thị trường thế giới, cũng như thị trường của những thành phố lớn, để tạo nên một xu hướng tiêu dùng mới ở nông thôn không?

Có một thực tế là, khi đi sâu vào thị trường nông thôn chúng tôi thấy rằng, người tiêu dùng ở đây bắt đầu biết đòi hỏi những sản phẩm cao cấp hơn. Họ không chỉ quan tâm đến những hàng những thực phẩm như mì gói, dầu ăn, hay dầu gió, nước rửa chén… mà người ta cũng có nhu cầu đa dạng về hàng gia dụng như hàng nhựa, hàng nhôm, hàng cao su, hàng cơ khí, đầu đĩa, bếp gas…

Thông qua những chuyến đi này đã có khá nhiều doanh nghiệp nhận ra và bắt đầu chuyển biến cơ cấu về các ngành tham gia đưa hàng Việt về nông thôn. Việc chuyển biến cơ cấu này cho thấy rõ sự nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam đối với nhu cầu đa dạng của người dân nông thôn. Lúc đầu là thực phẩm và các hàng hoá mỹ phẩm, kế đến là sự xuất hiện của hàng loạt các sản phẩm nhôm nhựa, cao su, cơ khí, điện tử. Hiện tại, thị trường nông thôn đã bắt đầu có những loại mỹ phẩm mang thương hiệu Việt xuất hiện.

Điều này cho ta thấy rằng, nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn hết sức là đa dạng, thập chí khá là tinh tế. Do đó tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp Việt Nam, cần hiểu rõ hơn và phải đi sâu vào những những trường phái tiêu dùng khác nhau, để tạo ra cơ hội lớn hơn cho doanh nghiệp mình.

- Trong quá trình nghiên cứu thị trường nông thôn, bà có so sánh gì giữa người tiêu dùng nông thôn của miền Bắc và miền Nam, vì sự khác biệt giữa các vùng miền cũng là một điều cần chú ý khi trong kinh doanh?

Theo tôi, nói chung người tiêu dùng của miền Bắc và miền Nam ở nông thôn đều quan tâm đến những mặt hàng có giá rẻ. Vì các sản phẩm có giá mềm hơn đang là yếu tố hàng đầu để người tiêu dùng ở nông thôn lựa chọn.

Tuy nhiên, theo nhận xét chủ quan của tôi, người dân nông thôn của miền Nam mua sắm nhanh hơn khi tiếp cận với thông tin về sản phẩm. Có thể nói là người tiêu dùng ở đây ít lựa chọn cân nhắc, tính toán quá lâu, có khi người ta mua xong nói “cứ dùng thử, nếu không được thì mình đổi cái khác cũng không sao”.

Còn đối với người miền Bắc, thì người ta thu thập thông tin nhiều hơn, hiểu rõ đặc tố trong các sản phẩm trôi nổi mà các phương tiện thông tin, đặc biệt là truyền hình đã cung cấp cho họ. Đồng thời, họ so sánh và đối chiếu cân nhắc rất là kỹ khi quyết định mua sản phẩm nào đó.

Đặc biệt, yếu tố văn hoá cũng có ảnh hưởng khá nhiều đến việc tiêu thụ sản phẩm. Điển hình, người miền Bắc thì quan tâm tới cái nền nếp, cuộc sống của gia đình lớn và những ngày giỗ chạp, hội họp trong gia đình hơn những người miền Nam.

- Vậy có nghĩa là tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng nông thôn không chỉ nhìn vào túi tiền của họ có bao nhiêu, mà phải đi sâu vào tâm lý của từng vùng miền?

Tôi cho rằng đó là yếu tố rất quan trọng để giúp doanh nghiệp thành công, đặc biệt là những doanh nghiệp đang đưa hàng về thị trường nông thôn. Túi tiền của người tiêu dùng ở nông thôn tôi nghĩ có thể suy đoán được, vì chúng ta có thể tìm hiểu được CPI của từng vùng và dung lượng của thị trường cũng như toàn bộ mức sống của người tiêu dùng.

Nhưng bao nhiêu đó vẫn không đủ, nếu chỉ hiểu như thế thì chúng tôi nghĩ là còn khá hời hợt. Bởi vì với một số tiền như vậy, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn lại khá đa dạng, chưa kể là tác động của hệ thống truyền thông hiện nay đối với người tiêu dùng nông thôn.

Tôi nhớ có một chi tiết rất hay là, công ty nhôm Kim Hằng, khi họ đưa hàng ra miền Bắc tiêu thụ, điều mà công ty bị bất ngờ là mặt hàng mà họ bán chạy nhất lại là cái mâm. Người ta mua rất nhiều sản phẩm này để bày cỗ và thập chí có những người đi mua xong còn rủ cả những người hàng xóm đến mua. Kết thúc phiên chợ, công ty nhôm Kim Hằng đã bán được hàng trăm cái mâm.

Trong khi đó, ở miền Nam thì mặt hàng mà công ty nhôm Kim Hằng bán được nhất vẫn là những bộ chảo không dính, để người tiêu dùng chiên thực phẩm, vì theo họ khách hàng bây giờ nhiều khi người ta không dùng đến dầu, có thì chỉ là dùng rất ít do hiện nay có rất nhiều người ăn kiêng.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng tâm lý của người tiêu dùng miền Nam và miền Bắc khác nhau khá nhiều và nó thể hiện qua cách chọn lựa sản phẩm của người tiêu dùng. Điều này cho thấy, doanh nghiệp nên nhìn vào xu hướng đó để đưa ra những sản phẩm phù hợp hơn cho khúc thị trường nông thôn.

- Xin cảm ơn bà!
Theo VnMedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN

♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!