Người dân huyện Thường Tín hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: Trần Việt
Hàng nội đang chiếm ưu thế
Năm 2009, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và toàn cầu gặp nhiều khó khăn, Bộ Chính trị đã phát động cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm phát huy ý chí tự cường dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm.... Hưởng ứng cuộc vận động, Bộ Công thương với chức năng và nhiệm vụ của mình đã triển khai nhiều hoạt động như quảng bá "Thương hiệu Việt", tổ chức các cuộc thi "Tìm hiểu hàng hóa Việt"… nhằm tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam và các thương hiệu uy tín. Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước, giám sát, tổ chức hàng trăm đợt đưa hàng Việt về nông thôn, Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại các tỉnh, thành phố giám sát hoạt động này, nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa cho các đợt bán hàng.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất trong nước phát triển, là cơ hội để DN nâng cao uy tín thương hiệu với NTD. Sau khi thực hiện cuộc vận động, nhiều DN đã cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của NTD nhằm từng bước thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân. Kết quả điều tra của ngành chức năng mới đây cho thấy, sau gần 1 năm thực hiện chương trình trên, đã có hơn 58% NTD trong nước quan tâm đến hàng Việt, trong khi con số này trước đây chỉ ở mức hơn 23%.
Người dân huyện Thạch Thất hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: Trần Việt
Thống kê của Bộ Công thương cũng cho thấy, doanh thu của những đợt đưa hàng Việt về nông thôn do sở công thương các tỉnh, thành phố tổ chức lên tới gần 1.500 tỷ đồng. Riêng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN đã tổ chức 53 đợt bán hàng về nông thôn với doanh thu đạt hơn 39 tỷ đồng... Những kết quả này cho thấy, thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hàng Việt đang chiếm được ưu thế trên "sân nhà", mở ra cơ hội lớn cho các DN trong việc phát triển thị trường nội địa.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM), dân số nước ta hiện có hơn 87 triệu người, trong đó 70% là dân số trẻ. Thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đã đạt hơn mức 1.000 USD/người/năm, với sức mua liên tục tăng qua các năm. Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ của Việt Nam những năm gần đây khá lớn, cụ thể năm 2008 tăng 31,8%, năm 2009 18,6% và năm 2010 ước tăng 22%. Tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với khu vực. Nếu như ở Singapore, tỷ lệ này là 55,9%, Thái Lan 67,7% thì ở Việt Nam là 70%.
Ba tiêu chí cho hàng Việt
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngoài việc nỗ lực tiếp thị hàng Việt đến NTD, để chiếm lĩnh thị trường nội địa, còn nhiều việc mà Nhà nước, DN cần tiếp tục triển khai. Bởi trên thực tế, vẫn tồn tại nhiều vấn đề khiến NTD chưa thể coi hàng Việt là "sự lựa chọn số 1". Kết quả của nhóm nghiên cứu Hội Siêu thị Hà Nội thực hiện trong năm 2010 cho thấy, 93% NTD được hỏi cho biết có yêu cầu DN bảo hành khi mua hàng, nhưng 31% NTD được hỏi khẳng định DN không giải quyết khiếu nại của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ đã cung cấp. 45% NTD được hỏi cho biết, khi giải quyết khiếu nại của họ với hàng hóa, dịch vụ, DN tỏ ra khó chịu... Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật bảo vệ NTD còn lỏng lẻo khiến các DN chưa thực sự nghiêm túc trong việc bảo đảm quyền lợi cho NTD. Điều này đã khiến NTD chưa thật mặn mà tin tưởng vào hàng hóa của DN, nhất là các DN trong nước.
Người dân huyện Thường Tín hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: Trần Việt
Để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đạt hiệu quả cao, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự hưởng ứng đồng bộ từ các phía: Nhà nước, DN và NTD. Trước hết, các cơ quan nhà nước phải coi việc sử dụng hàng Việt là trách nhiệm, là nghĩa vụ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế vận động các đơn vị tiêu dùng hàng nội địa trở thành những cơ quan tiên phong hưởng ứng cuộc vận động của Bộ Chính trị. Việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ NTD với chế tài xử phạt nghiêm minh cũng rất quan trọng nhằm giúp NTD được bảo vệ quyền lợi một cách chính đáng, qua đó giúp họ an tâm hơn khi sử dụng hàng nội địa. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, 3 yếu tố quan trọng giúp hàng Việt chiếm được cảm tình của NTD là giá cả, chất lượng và dịch vụ hậu mãi. Nếu thực hiện tốt 3 tiêu chí này, hàng Việt Nam sẽ đẩy lùi thói "sính hàng ngoại" của người Việt Nam chiếm được vị trí xứng đáng tại thị trường nội địa.
Ông Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ: Ưu tiên dùng hàng Việt ngay trong cơ quan nhà nước
Để cuộc vận động thu được hiệu quả thiết thực, Nhà nước, DN và NTD phải cùng vào cuộc. Nhà nước cần sớm ban hành bộ luật bảo vệ NTD đủ mạnh, gương mẫu thực hiện ưu tiên mua hàng Việt trong cơ quan nhà nước và xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng hay những trường hợp DN vi phạm quyền lợi của NTD. DN cần nỗ lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng hậu mãi và nên coi thị trường nội địa như một "sân chơi" thực sự, chứ không chỉ coi đây là phương án tạm thời trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng. NTD nên chủ động phát huy quyền của mình thông qua việc tẩy chay nhãn hiệu có hành vi kinh doanh hàng kém chất lượng hay gây ô nhiễm môi trường…
Bà Nguyễn Thị Bích, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: Cần sự trung thực từ nhà phân phối
Các siêu thị điện máy thường tổ chức những đợt khuyến mãi, giảm giá. Nhưng nếu NTD so sánh giá giữa các siêu thị mới biết, có sự chênh lệch giá khá lớn. Có siêu thị khuyến mãi sau khi đã nâng giá bán lên rất cao. Bên cạnh việc một số đơn vị lợi dụng khuyến mãi để thanh lý hàng tồn kho, dịch vụ hậu mãi của các siêu thị điện máy còn kém, hầu như khách hàng đều phải tự khắc phục lỗi kỹ thuật khi mua đồ hàng với lý do, lỗi nhỏ, phòng kỹ thuật của siêu thị không đủ nhân viên phục vụ.
Theo Hương Ly (Hà Nội Mới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
VÀI LƯU Ý KHI THAM GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN
♦ Nếu bạn không có tài khoản Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, bạn vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách) là Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
♦ Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.
♦ Các bạn tự chịu trách nhiệm với nhận xét của mình. Nhận xét để phản hồi, đánh giá, góp ý.... suy nghĩ của bạn. Thông qua nhận xét hãy để cho cộng đồng tiêu dùng hàng Việt cùng biết Bạn là ai.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!